Thời sự Bình Dương

Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước 2018

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương thảo luận đánh giá tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2017, thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương thảo luận đánh giá tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2017, thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đồng chí Tổng bí thư BCH TW Đảng Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang – Chủ tịch nước CHXHCNVN, Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc Hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị ở các điểm cầu 63 tỉnh thành trong cả nước có các đồng chí bí thư , chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh thành.

Tại điểm cầu Bình Dương, dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ có đồng chí Trần Văn Nam - Ủy viên BCH TW, Bí thư Tỉnh Ủy, đồng chí Phạm Văn Cành – Phó bí thư TT tỉnh Ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí TRần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2017 thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, có sức mạnh của nhân dân, tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam, tình hình kinh tế xã hội của cả nước chuyển biến tích cực, kết quả đã đạt được khá toàn diện, tất cả các chỉ tiêu Quốc Hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng kinh tế đạt 6, 81% là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, chất lượng tăng trưởng nâng lên.

Đề cập những bài học rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: các cơ quan hành chính từ TW đến cơ sở và mọi cấp mọi ngành phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phát huy năng động của mỗi địa phương thiết kế hạ tầng cơ sở để tạo liên kết vùng kinh tế chuỗi giá trị, thường xuyên đôn đốc kiểm tra đánh giá tình hình theo dõi các diễn biến và chỉ đạo xử lý linh hoạt kịp thời tập trung rà soát đối thoại hoàn thiện chính sách quyết liệt giảm chi phí tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Về thực hiện nhiệm vụ năm 2018, thủ tướng nhấn mạnh cần vận dụng đà phát triển của năm 2017, thúc đẩy 1 chương trình phát triển KTXH toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra trong năm 2018 và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thực hiện trong phương châm 10 chữ của chính phủ 2018 đó là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Theo báo cáo của Chính phủ: Năm 2017, đã thực hiện đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.

Kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước được tăng cường; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; Đặc biệt, năm 2017 xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Xuất siêu 2,7 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; Cả nước có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký kinh doanh tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 đã đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng Bộ ngành, địa phương, đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×