Thời sự Bình Dương

Những mô hình nông nghiệp hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nông dân trong tỉnh Bình Dương đã cải tiến, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng, đặc thù của từng địa phương. Từ việc chủ động đầu tư nhiều mô hình đã góp phần tăng hiệu quả kinh

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nông dân trong tỉnh Bình Dương đã cải tiến, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng, đặc thù của từng địa phương. Từ việc chủ động đầu tư nhiều mô hình đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.

Trong gần 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Minh Tấn ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng đã khá thành công với mô hình trồng nấm. Năm 1998, bà Tấn bắt đầu đến với nghề nấm. Ban đầu chỉ trồng số lượng ít khoảng 500 bịch. Trồng nấm cho năng suất cao ở lần thu hoạch đầu tiên và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ đó, bà quyết định mở rộng trại nấm. Do nghề trồng nấm sau đó phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, nên bà vừa mở rộng diện tích trại, vừa sản xuất phôi nấm để cung ứng cho nông dân. Năm 2005, bà chuyển hẳn sang lĩnh vực nhân giống phôi nấm. Hiện nay, bà mở rộng 4 trại làm phôi nấm với diện tích gần 3.000m2, gồm nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mèo. Bình quân mỗi tháng trang trại của gia đình sản xuất hơn 150.000 bịch phôi cung ứng cho nông dân trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Với giá bán từ 3.200 đến 3.600 đồng/bịch phôi, đem lại doanh thu mỗi tháng trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư và công lao động còn lời hơn 50 triệu đồng/tháng. Qua thời gian dài trồng nấm và sản xuất phôi, bà Tấn đúc rút được nhiều kinh nghiệm sản xuất để đem lại hiệu quả cao.

Đam mê trồng cây ăn trái có múi, ông Lê Văn Phấn ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đã đầu tư mở rộng diện tích cây có múi và trở thành tỷ phú nông dân từ mô hình này. Từ 4 hecta diện tích canh tác ban đầu, đến nay, ông đã mở rộng diện tích lên hơn 60 ha trồng các loại cây ăn trái có múi, chủ lực là cây quýt. Trong đó, có 18 hecta được trồng tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng; diện tích còn lại ông đầu tư trồng ở xã Thanh An huyện Dầu Tiếng và xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cây ăn trái có múi trồng sau 3 năm thu hoạch và ổn định sản lượng từ năm thứ 4 trở đi, đạt bình quân 50 tấn/hecta. Mỗi hecta sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng. Hiện nay, với 13 hecta đang cho thu hoạch, gia đình ông có nguồn thu từ 4 đến 5 tỷ đồng/năm. Với ông, để nâng cao hiệu quả trong nông nghiệp, việc hợp tác sản xuất là yếu tố quan trọng.

Sống trên vùng đất cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, ông Ngô Minh Hùng gắn bó với cây bưởi gần 20 năm nay. Ngoài lợi thế từ thổ nhữơng của vùng đất cù lao, trong quá trình sản xuất, ông còn chú ý đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất để cây bưởi cho năng suất cao hơn, chất lượng trái ngon hơn. Vừa trồng, vừa cải tạo những vườn già cỗi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn bưởi cho trái đều, chất lượng trái ngon, gia đình có nguồn kinh tế ổn định hàng năm từ vườn bưởi. Hiện tổng diện tích canh tác của gia đình hơn 2 hecta, trong đó có 2.500mđang cho trái, sản lượng thu hoạch đạt 6 tấn/vụ. Chỉ với diện tích 2.500mđã đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, theo vùng qui hoạch tập trung, nhiều mô hình được đầu tư hiệu quả đã cho thấy sự năng động của nông dân Bình Dương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu từ nông nghiệp.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×