Thời sự Bình Dương

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017

Trong buổi làm việc sáng 1/11, các nội dung như: Cắt giảm giấy phép con, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; công tác phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em... được các đại biểu tập trung thảo luận.

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Trong buổi làm việc sáng nay, các nội dung như: Cắt giảm giấy phép con, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; công tác phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em... được các đại biểu tập trung thảo luận.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế, tuy nhiên theo các đại biểu, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chồng chéo và nhiều giấy phép con. Do vậy, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; giảm các cuộc kiểm tra, thanh tra, nhất là các cuộc trùng lặp về nội dung, gây phiền hà cho doanh nghiệp, Nhiều đại biểu cũng góp ý về phát triển hệ thống bán lẻ, xem xét triển khai thí điểm sử dụng tiền ảo, phát triển dịch vụ logistic; phát triển khoa học, công nghệ;...

Về công tác phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, một số đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật giám định tư pháp; cơ cấu lại tổ chức cơ quan bảo vệ trẻ em. Hiện nay có 15 cơ quan làm công tác này, nhưng không cơ quan nào thống kê về tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Các đại biểu yêu cầu trong thời gian tới phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; sớm ban hành quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý nhanh và nghiêm các loại án này.

Về trách nhiệm của Chính phủ, ý kiến đại biểu cho rằng các vấn đề KT-XH liên quan đến trách nhiệm của cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cơ quan hành pháp có trách nhiệm trực tiếp tạo ra xung lực cho sự phát triển KT-XH nhưng các cơ quan khác không thể đứng ngoài cuộc.

Trong phiên thảo luận, có đại biểu đã nhắc lại  ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất là Quốc hội phải làm tốt công việc giám sát và xử lý kết quả hậu giám sát.

Theo thống kê, trong ngày thảo luận hôm nay có gần 70 đại biểu đăng ký chờ phát biểu. Chiều nay và sáng ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×