Thời sự Bình Dương

Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương

Giai đoạn 2016-2020, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Dương . Với sự đầu tư từ các doanh nghiệp, trang trại, nông dân, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có nhiề

Thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã mang lại kết quả tích cực. Giai đoạn 2016-2020, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Với sự đầu tư từ các doanh nghiệp, trang trại, nông dân, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh; nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có nhiều triển vọng phát triển.

Để tạo đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 980 hecta. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 1 khu và 3 khu chăn nuôi đang hoạt động hiệu quả. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của tỉnh.

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở xã An Thái, huyện Phú Giáo đầu tư với quy mô trên 400 hecta, thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: Trồng dưa lưới trong nhà kính doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng/ha/năm; chuối già hương 180ha cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ cao được các doanh nghiệp đầu tư thỏa đáng. Trại gà công nghệ cao Ba Huân ở xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên được đầu tư gồm nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy ấp nở trứng và 22 trại chăn nuôi, với tổng đàn gà đẻ thương phẩm 1 triệu con. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng ở xã Hiếu Liêm huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư gồm 14 trại gà, khu xử lý nước thải, với tổng đàn 110.000 gà đẻ và 115.000 gà hậu bị. Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao Công ty cổ phần đường Bình Dương đầu tư tại xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo, diện tích 472 ha, xây dựng chuồng nuôi bò sinh sản, bò tơ hậu bị và bò đẻ...Từ việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bình Dương đã hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Bên cạnh hiệu quả hoạt động ở 4 khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư, tỉnh Bình Dương còn khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân của trại chăn nuôi heo, gà theo mô hình trại lạnh từ 150 - 200 triệu đồng/lứa nuôi. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện đạt gần 2.500 hecta.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư trên qui mô lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung. Những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang tiếp tục tạo đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×