Bài toán khó: Trường chuẩn quốc gia
Xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia được xem là một trong những tiêu chí hướng đến nền giáo dục chất lượng cao. Để đạt được danh hiệu này, các trường đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó gấp bội phần. Và, trên thực tế có nhiều trường học trong đợt thẩm định, công nhận lại đã bị “rớt” chuẩn, nhiều trường chuẩn khác cũng đang đứng trước nguy cơ này.
Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đề ra, Ngành GDĐT Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 74% trường chuẩn quốc gia.
Trường tiểu học Bình Thuận, với diện tích gần 14.000m2, đóng trên địa bàn khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2016. Trường được quan tâm đầu tư về nhiều mặt để thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các thầy cô giáo của nhà trường luôn tâm huyết với nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh; chủ động hướng dẫn học sinh tự học, tạo bầu không khí thân thiện trong giảng dạy. Qua kết quả học tập năm học 2016-2017 và 2017-2018, trường đều duy trì từ 96% - 98% học sinh hoàn thành chương trình lớp học và có nhiều học sinh tham gia các hội thi học sinh giỏi cấp thị và cấp tỉnh. Mặc dù nhà trường luôn nỗ lực đảm bảo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, tuy nhiên với tốc độ tăng học sinh vào mỗi đầu năm học như hiện nay, sỉ số học sinh bình quân trên lớp hầu như luôn vượt so với chỉ tiêu và việc duy trì để được tái đạt chuẩn là một điều nhà trường rất lo ngại.
Theo báo cáo của Phòng giáo dục Thuận An, hiện thị xã có 33/ 54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 61,1%. Bậc học mầm non có 12/15 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2 là trường mầm non Hoa Cúc 1 và trường mầm non Hoa Mai 1. Cấp tiểu học có 16/24 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. Cấp THCS có 5/12 trường đạt chuẩn quốc gia, 2 trường “ rớt” chuẩn so với năm học trước do số lượng học sinh quá tải. Trong năm học này và các năm học tiếp theo, con số này khó có thể tăng lên bởi một số trường cơ sở vật chất đã xuống cấp, số lượng học sinh trên lớp luôn vượt chỉ tiêu, nên việc được công nhận tái đạt chuẩn rất khó khăn.
Đầu năm học 2018-2019, toàn tỉnh tăng hơn 34 ngàn học sinh, tập trung ở bậc tiểu học, với số lượng tăng hơn 20 ngàn học sinh. Theo đó số học sinh tăng cao nhất là ở TX.Thuận An hơn 11 ngàn và TX.Dĩ An hơn 6 ngàn… Trước tình hình này, Sở giáo dục và đào tạo BD chủ trương giải quyết vấn đề lớn nhất là chỗ học cho học sinh.
Theo báo cáo của Sở giáo dục và đào tạo Bình Dương, đến nay, toàn tỉnh có 251/370 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,84%, tăng 2,84% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đề ra. Ngành GD-ĐT Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 74% trường chuẩn quốc gia, cụ thể: bậc học Mầm non: 81/120 trường, đạt tỷ lệ 67,5%, Tiểu học: 102/150 trường, đạt tỷ lệ 68%, Trung học cơ sở: 52/72 trường, đạt tỷ lệ 72,2%, Trung học phổ thông: 16/28 trường, đạt 57,14%.
Theo quy định, thời hạn công nhận trường chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết thời hạn, các trường tự đánh giá, trình các cấp theo thẩm quyền để được kiểm tra. Khi các tiêu chí về chuẩn quốc gia đều đạt thì trường sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần hai. Tuy nhiên, việc tái công nhận đạt chuẩn quốc gia ở các trường không hề đơn giản. Vì nhiều trường bị “vướng” các tiêu chí, nhất là tài chính, quỹ đất xây dựng trường. Áp lực tăng học sinh vào đầu mỗi năm học đè nặng lên ngành giáo dục ở các huyện, thị, thành phố tập trung đông lao động nhập cư của Bình Dương. Như vậy, nếu chưa giải quyết rốt ráo bài toán chỗ học cho học sinh đồng nghĩa với việc “rớt” chuẩn là tất yếu.