Bất cập trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Bất cập trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

19/06/2019
Lượt xem: 621

Nhằm tránh trường hợp thu gom đất lúa để đầu cơ, cũng như hướng đến mục tiêu Việt Nam còn 3,8 triệu héc ta đất lúa vào năm 2020, Nhà nước đã ban hành đồng bộ các chính sách, nhất quán quan điểm bảo đảm lợi ích cho người dân trồng lúa. Đồng thời, xiết chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các địa phương. Nhưng ở khía cạnh khác, điều này cũng đã gây khó khăn cho nhiều người thật sự có nhu cầu chuyển nhượng đất trồng lúa hiện nay.

BẤT CẬP TRONG VIỆC

CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Dương tích cực thực hiện. Đến nay, công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trên toàn tỉnh Bình Dương đạt tỷ lệ trên 99%, tương ứng diện tích trên 243 ngàn 227 héc ta. Về cơ bản, công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định. Nhìn chung, việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nông lâm nghiệp. Sử dụng đất đai có hiệu quả, gia tăng năng suất và hình thành vùng sản xuất nông, lâm tập trung, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 điều 191 Luật đất đai năm 2013, các cá nhân, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, người nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải là người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tức là người không  làm việc trong các cơ quan, tổ chức có hưởng lương hàng tháng. Cùng với đó, khi một người dân muốn nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải có xác nhận của chính quyền cấp xã là đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Như vậy, một người vừa thôi không làm việc tại một cơ quan, tổ chức muốn nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để tham gia sản xuất sẽ không được. Bởi trước đây và hiện tại không có trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế hiện nay, quy định này đã gây khó khăn cho nhiều người không có điều kiện tiếp tục sản xuất lúa, muốn chuyển nhượng lại đất trồng lúa cho người có điều kiện sản xuất; Cũng như người thực sự có nhu cầu và muốn nhận chuyển nhượng lại đất trồng lúa để sản xuất nhưng lại vướng quy định tại khoản 3 điều 191 Luật đất đai năm 2013, là không phải là người đang trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường quản lý đất đai, nhất là đối với đất trồng lúa là hết sức cần thiết nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả sự dụng đất nông nghiệp cũng như tránh tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, thiết nghĩ chính quyền địa phương cũng cần xem xét thực tế và tạo điều kiện thuận lợi để người không thể tiếp tục sản xuất được chuyển nhượng cho người thật sự có nhu cầu và có điều kiện sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.