Bình Dương tập trung ứng phó dịch tả heo Châu phi
Theo ngành chức năng tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào heo bị bệnh dịch tả Châu Phi cũng như chưa tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có dịch. Tuy nhiên, công tác phòng dịch luôn được ngành chức năng tỉnh chú trọng triển khai, nhất là công tác giám sát nguồn heo ra vào địa bàn tỉnh.
Theo ngành chức năng, hiện nay, do tình hình dịch bệnh nên giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc đang giảm, thấp hơn giá thu mua heo hơi tại các tỉnh miền Nam từ 8-10 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, nguy cơ heo bệnh từ miền Bắc đưa vào các vựa heo ở các tỉnh khu vực phía Nam và nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất lớn. Chính vì thế, ngành chức năng và đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã đồng loạt ra quân giám sát, nắm tình hình tại các chợ, lò mổ và nguồn cung ra vào tỉnh. Trong ngày đầu ra quân, 100% trường hợp kiểm tra đều có vi phạm về không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, ngành chức năng yêu cầu các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo không rõ nguồn gốc. Trong toàn quá trình giết mổ, sẽ có giám sát của cán bộ thú y nhằm kịp thời phát hiện tất cả các con heo có dấu hiệu bệnh tật trước khi đưa vào các chợ đầu mối. Về mặt an toàn thực phẩm, có thể khẳng định dịch tả heo châu Phi không lây lan qua người, nhưng nguy hiểm là mầm bệnh lây lan vào các điểm nuôi heo, đặc biệt đối với các hộ nuôi heo nhỏ, lẻ, nguy cơ thiệt hại rất lớn vì gần như 100% heo mắc bệnh đều chết. Vì vậy, cần có biện pháp kiểm soát chặt trước khi dịch bệnh xuất hiện, không phải đợi đến có dịch bệnh mới kiểm soát, với nguyên tắc là phải chặn ngay nguy cơ từ đầu.
Theo ngành chức năng, tình trạng giết mổ lậu vẫn còn tồn tại, nguồn thịt lậu từ các tỉnh theo đường không chính thống vẫn tuồn về Bình Dương và chưa thể kiểm soát. Để ứng phó với dịch tả heo Châu Phi, hiện ngành chức năng tỉnh đã tăng cường lực lượng, đề xuất gia tăng các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giáp ranh với các tỉnh lân cận để chủ động phòng ngừa nguồn heo và sản phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh tràn vào tỉnh. Đồng thời tăng cường giám sát bệnh dịch đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh và xử lý kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi trên toàn địa bàn tỉnh.