Bình Dương tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới

Bình Dương tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới

20/09/2018
Lượt xem: 508

Tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp; công tác cai nghiện, quản lý người sau cai, kiểm soát tiền chất ma túy trong sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn…Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về việc “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức sáng 19/9.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, trong 10 năm qua, các ngành các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tăng cường đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nan ma túy, quản lý người nghiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về ma túy được thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Nhiều mô hình tự quản như Lá  chắn, Thắp sáng niềm tin…đã dần phát huy tính hiệu quả. Trong 10 năm qua, ngành chức năng đã phát hiện xử lý gần 2850 vụ với  hơn 4.330 đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy. Tình hình ma tùy trên địa bàn tỉnh đã dần được kiểm soát.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, tình hình tội phạm và người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, nhất là tại các địa bản giáp ranh. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có gần 2500 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 1.785 người nghiện so với năm 2008. Đến nay, Bình Dương có 84 /91 xã phường, thị trấn có ma túy.  Tội phạm và tệ nạn ma túy đã gây tác động xấu đến nhiều mặt đời sống xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để kéo giảm tình hình và tội phạm ma túy, toàn hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với ma túy cần được xem là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Các ngành chức năng cần tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy tại các địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác quản lý người sau cai, phòng ngừa gia tăng người nghiện trong cộng đồng.