Bình Dương triển khai đồng bộ công tác phòng chống HIV/AIDS
Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12/2018, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Đây cũng là dịp nhìn nhận và đánh giá lại công tác phòng chống HIV/AIDS tại Bình Dương.
Bình Dương là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dân số trên 2 triệu 155 ngàn người. Trước tình hình mại dâm, ma túy ngày càng gia tăng dẫn đến số ca mắc HIV/AIDS cũng tăng cao, đến nay toàn tỉnh có trên 5.900 người nhiễm HIV; riêng năm 2017 có trên 280 người nhiễm mới. Mỗi năm, tỉnh Bình Dương đều tổ chức 2 sự kiện lớn là Tháng hành động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào tháng 6 và Tháng chiến dịch truyền thông phòng chống HIV/AIDS hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống HIV/AIDS 1/12. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai chương trình bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, phong trào “Toàn dân tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS”… Kinh phí đầu tư cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được bảo đảm thông qua việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 phòng khám ngoại trú (OPC) điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 4 phòng tư vấn xét nghiệm HIV (VCT) và 2 cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone... giúp cho người nhiễm HIV sớm và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, giảm dần sự kỳ thị.
Hiện nay, điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) được coi là điều trị đặc hiệu, bởi vì điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Song song với triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng chống hiệu quả HIV/AIDS, vấn đề quan trọng mà ngành Y tế tỉnh Bình Dương đang thực hiện là thúc đẩy cộng đồng và xã hội tham gia giúp đỡ người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Và trên hết, chính bản thân những người nhiễm HIV hãy dũng cảm vượt qua sự kỳ thị của chính mình, mạnh dạn đến các trung tâm tư vấn, điều trị HIV/AIDS để có được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bản thân.