Chiến dịch Lê Hồng Phong, Bến Cát - Bước trưởng thành của quân và dân miền Đông Nam bộ

Chiến dịch Lê Hồng Phong, Bến Cát - Bước trưởng thành của quân và dân miền Đông Nam bộ

09/10/2017
Lượt xem: 2001

Bến Cát là huyện trung du của tỉnh Thủ Dầu Một, nằm ở phía Tây Bắc Sài Gòn, có vị trí chiến lược quan trọng. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14, đường 7, đường 30, đường sông Sài Gòn. Bến Cát là vùng căn cứ sôi động của Khu 7 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, là điểm nối giữa chiến khu Đ và chiến khu Dương Minh Châu và nằm trên tuyến hành lang vận tải lương thực, thực phẩm từ vùng Đồng Tháp Mười lên miền Đông Nam bộ. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, tháng 7-1950 Bộ chỉ huy Khu 7 quyết định mở một chiến dịch tiến công quy mô, phối hợp với chiến trường chính và Bến Cát được chọn làm trọng điểm của chiến dịch. Chiến dịch Bến Cát (từ ngày 7/10 đến 15/10/1950 còn gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong) là chiến dịch duy nhất mà ta mở trên chiến trường Đông Nam bộ trong suốt giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. mục tiêu của chiến dịch nhằm cắt đứt, giải phóng đường số 7 và đường 14, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong khu, tạo đà thắng lợi, gây dựng lòng tin trong quân và dân trong khu đồng thời chia lửa với chiến dịch Biên giới.