Chùa Hội Khánh - Nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc || Tôi yêu Bình Dương
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng đi đến nhiều nơi để tổ chức hoạt động cứu nước. Những hoạt động yêu nước của cụ đã bị mật thám của thực dân Pháp theo dõi gắt gao. Trong những tài liệu mật của mật thám Pháp ghi lại những chuyến theo dõi ấy, chúng xếp cụ và những hành động của cụ là "nguy hiểm".
Điều kỳ lạ là dấu tích của những tài liệu đó đang được lưu giữ trong một ngôi chùa cổ ở tỉnh Bình Dương. Ngôi chùa này cũng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước.
Đó là chùa Hội Khánh ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi. Hòa thượng Thích Huệ Thông, trụ trì chùa Hội Khánh, cho biết: Chùa này do Đại Ngạn thiền sư xây dựng năm 1741. Chùa Hội Khánh có kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn - tức là nối sát nhau liên tục. Cấu trúc chùa gồm: tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các theo kiến trúc chùa cổ như kiểu Thiếu Lâm tự.
Trong khuôn viên của chùa Hội Khánh có tượng Phật nằm và các đệ tử quỳ bên cạnh. Tượng làm bằng đá trắng cẩm thạch rất đẹp. Trong khuôn viên chùa còn có một nhóm tượng mô tả lại cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật. Chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 1993.