Dấu ấn đầu tư hạ tầng Bình Dương trong công cuộc phát triển
Cùng với sự đổi thay của đất nước sau 44 năm kể từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tỉnh Bình Dương đã phát triển tòan diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo ra động lực cần thiết cho quá trình phát triển của địa phương.
DẤU ẤN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG BÌNH DƯƠNG TRONG CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN
Tròn 5 năm sau ngày được thành lập, Huyện Bàu Bàng đã có hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển đồng bộ, từng bước đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp chiếm vai trò chủ đạo. Có được kết quả này, ngoài việc kế thừa những thành quả trong qúa trình đầu tư phát triển hạ tầng của Tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Dương hôm nay, sau 44 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Bàu Bàng còn huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Không chỉ ở Huyện mới Bàu Bàng, trên địa bàn Tỉnh Bình Dương còn có nhiều địa phương có các bước phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ấn tượng hơn nữa. Và trong sự phát triển của hạ tầng nói chung, có thể thấy rằng các hạ tầng xã hội như: trường học, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa; cùng với các hạ tầng kinh tế như: hệ thống điện, đường giao thông, cấp thoát nước… đều được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, kết nối cao và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Cụ thể như, hệ thống trường học, đến đầu năm 2019, tỷ lệ lầu hóa đã đạt hơn 50%, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia đã đạt 69,2%. Đối với hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, hiện đã có hơn 4.500 tuyến đuờng, tổng chiều dài 7.500 km, trong đó lọai đuờng bê tông nhựa nóng có chiều dài đạt 2.108 km, đuờng láng nhựa có chiều dài đạt hơn 1.000 km, đuờng nhựa cấp phối có chiều dài hơn 3.600 km. Hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, hệ thống thu gom, xủ lý nước thải, hệ thống viễn thông…cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt quá trình phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và đạt hiệu quả rất cao ở Bình Dương.
Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm đạt khoảng 1.000 – 5.000 tỷ đồng/năm, riêng giai đoạn 2015 đến nay đạt từ 5.500 tỷ đồng-8.500 tỷ đồng/ năm, Bình Dương còn huy động được nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở địa phương, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.
Trong định hướng phát triển sắp tới: Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, gắn kết với quá trình xây dựng đô thị thông minh. Với những tiền đề đã tạo dựng được, cộng với kinh nghiệm huy động từ các nguồn lực tham gia đầu tư hạ tầng, Bình Dương hoàn toàn có đủ tiềm năng để hoàn thành toàn bộ các mục tiêu này, góp phần đưa Tỉnh phát triển vuơn lên một tầm cao mới, giàu mạnh và bền vững.