Dịch tả heo Châu Phi không lây sang người

Dịch tả heo Châu Phi không lây sang người

15/03/2019
Lượt xem: 1044

Tính đến nay, cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi.  Riêng tại Bình Dương, tính đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện ổ dịch nào. Dù số lượng heo được giết mổ tại các lò mổ, cũng như lượng thịt tiêu thụ tại các chợ truyền thống có giảm nhẹ; nhưng số lượng tiêu thụ thịt heo tại các siêu thị lại tăng đáng kể.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch tả heo châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi con người có tiếp xúc hoặc sử dụng sản phẩm heo nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả heo. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên lo lắng hay tẩy chay sản phẩm thịt heo.

Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay cho thấy, lượng người tiêu dùng thịt heo có giảm nhẹ so với thời điểm trước đây, do nhiều người e ngại nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng thịt heo bày bán tại các chợ. Tuy nhiên, tại các siêu thị thì trái ngược hoàn toàn; người tiêu dùng lại tin tưởng và sử dụng thịt heo tại nơi đây tăng cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục có công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi.

Riêng tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị phối hợp kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa và xử lý dịch tả heo châu Phi. Qua đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ra quân kiểm tra và phát hiện hàng chục trường hợp vận chuyển thịt heo vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan, cơ quan Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp sinh học như: rãi vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua heo giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. Không bán chạy bán tháo heo nghi bệnh, hoặc heo bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển heo bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện dịch bệnh, cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch.  Về phía người tiêu dùng cũng không nên e ngại thịt heo, mà có thể yên tâm sử dụng thịt heo tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, có đóng dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật.