Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khả năng hội nhập
Tính đến nay, Bình Dương có hơn 39.300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với số vốn đầu tư 31,8 tỷ đôla Mỹ và 290.000 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp trong nước, với qui mô vừa và nhỏ chiếm đến 95% số lượng doanh nghiệp. Bên cạnh những lợi thế trong việc quản lý, điều hành; doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những khó khăn liên quan đến đầu tư phát triển sản xuất, phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp đang họat động tại Bình Dương, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nuớc hiện có hơn 35800 doanh nghiệp. Ngòai một số ít doanh nghiệp có qui mô vốn đầu tư từ 100 tỷ -1000 tỷ đồng, đa số doanh nghiệp còn lại chỉ có số vốn bình quân gần 8 tỷ đồng/đơn vị, thuộc nhóm qui mô doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, với qui mô này việc điều hành, quản lý doanh nghiệp không phức tạp, mặc khác doanh nghiệp cũng rất linh họat trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nên đạt hiệu quả cao. Tính chung khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nuớc đã đóng góp khỏang 40% GDP, trong khi đó lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cao hơn 2,3 lần vốn đầu tư trong nuớc, nhưng chỉ đóng góp 60% GDP.
Tuy vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số hạn chế liên quan đến qui mô sản xuất, nguồn tài chính để đầu tư, trình độ quản lý, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm phát triển thị trường và hệ thống cung ứng hàng hóa nội địa… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng chuỗi liên kết trong họat động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần liên kết mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời cần chuyển đổi phương thức sản xuất tòan bộ sản phẩm, sang sản xuất một chi tiết của sản phẩm, để nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, nhà nước cần quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực… Đây sẽ là động lực cần thiết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V- khóa XII đề ra.