Giá trị của sách

Giá trị của sách

22/04/2019
Lượt xem: 801

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc(UNESCO) chọn ngày 23.4 là Ngày sách và Bản quyền thế giới, còn nước ta lấy ngày 21.4, tức hôm nay, là Ngày Sách Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Thông qua những trang sách, con người có thêm động lực, niềm tin để hoàn thiện tri thức, tâm hồn, sống tốt đẹp hơn mỗi ngày.

GIÁ TRỊ CỦA SÁCH

Tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan là một trong những nhân vật tham gia chương trình giao lưu với độc giả trong dịp hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm nay tại Bình Dương. Chương trình do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Câu chuyện không gục ngã trước bệnh tật hiểm nghèo nhờ những trang sách của Bích Lan đã để lại xúc cảm mạnh mẽ đối với những người có mặt trong chương trình.  Là một người không may mắc bệnh xương thuỷ tinh phải bỏ học giữa chừng, Bích Lan xem sách là trường học, là người thầy, để rồi miệt mài tự trau dồi vốn ngoại ngữ và đến nay đã xuất bản 36 đầu sách dịch, 1 cuốn tự truyện được dư luận xã hội, cộng đồng chuyên môn đánh giá cao. Với Bích Lan, sách là chìa khoá để mở ra những chân trời mới đầy cảm hứng sáng tạo và tình yêu đối với cuộc đời.

Câu chuyện của dịch giả, tác giả Nguyễn Bích Lan là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh, giá trị vô giá mà sách mang lại. Bởi thế mà từ xa xưa, cha ông ta đã coi việc đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc đọc sách càng quan trọng hơn để mỗi người cập nhật kịp thời tri thức nhân loại, xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và hình thành suy nghĩ tích cực, lạc quan.

Đây là năm thứ 6 Ngày sách Việt Nam được tổ chức. Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày sách đã lan toả phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân ở Bình Dương. Qua đó, phát triển mạnh mẽ văn hoá đọc, góp phần xây dựng thế hệ công dân giàu về tri thức, đẹp về tâm hồn, hội nhập sâu rộng cùng thế giới. Đây là nền tảng cơ sở để hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và đầy tính nhân văn như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau”.