Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông sản, trái cây tỉnh Bình Dương năm 2018
Nhằm mục đích quảng quá thương hiệu nông sản, trái cây sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; sáng 28/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu mặt hàng nông sản, trái cây năm 2018. Dự hội nghị có ông Hoàng Anh Tuấn-Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước-Bộ Công thương, ông Mai Hùng Dũng-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.
Hội nghị kết nối cung-cầu mặt hàng nông sản, trái cây của tỉnh Bình Dương với thị trường trong và ngoài nước năm 2018 có qui mô 80 gian hàng và 150 doanh nghiệp tham gia. Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho chủ trang trại, hợp tác xã, hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu được gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, tìm hiểu sản phẩm để liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường. Qua đó, thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng với kênh phân phối trong và ngoài nước. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Bình Dương đến các đối tác và bạn bè quốc tế.
Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khoảng 3,7%. Tuy nhiên, với việc tập trung đầu tư sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tăng giá trị của ngành nông nghiệp ở mức từ 3,6% - 4%/năm. Từ năm 2011, tỉnh đã triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Hiện Bình Dương có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư với diện tích gần 980 hecta. Các khu này hoạt động hiệu quả với nhiều sản phẩm tham gia xuất khẩu và đáp ứng tốt thị trường trong nước. Cùng với đó, nhiều trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, cung ứng nông sản và trái cây an toàn cho tiêu dùng. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được hơn 3.400 hecta cây có múi, trong đó cây bưởi hơn 1.300 hecta, cam hơn 1.400 hecta, quýt 470 hecta và cây có múi khác hơn 47 hecta. Qui mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn trái và các mặt hàng nông sản theo qui trình công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển khả quan. Tuy nhiên, nông sản và trái cây vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, đó là: thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định, các sản phẩm có thương hiệu chưa nhiều, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng cây ăn trái, việc liên kết tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn là nỗi lo của nông dân. Do đó, hội nghị kết nối cung cầu nông sản sẽ giúp các mặt hàng nông sản và trái cây của Bình Dương tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững. Từ đó, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, xây dựng hình ảnh nông sản của Bình Dương ở thị trường trong và ngoài nước.