Khẩn trương các phương án ứng phó bão số 6
Cơn bão số 6 đã đi vào Biển Đông vẫn giữ sức gió mạnh cấp 15-16, giật cấp 17. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao; Tài nguyên - Môi trường; Thông tin - Truyền thông; Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Công Thương; Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Và các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra. Yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp chống bão.
Theo dự báo, vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và gây gió rất mạnh trên vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển và đất liền nước ta, kèm theo mưa lớn. Từ chiều nay, vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ có mưa bão, sóng biển cao từ 4-6m; Biển động rất mạnh. Từ ngày mai 17/9 đến 19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Khu vực ảnh hưởng của bão tập trung các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, nhiều tàu thuyền hoạt động, nhiều công trình, dự án lớn đang thi công; các hồ chứa cơ bản đã đầy nước; một số khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất chưa kịp khắc phục, tiềm ẩn rủi ro, thiệt hại lớn nếu không có các biện pháp quyết liệt, ứng phó kịp thời.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Đối với khu vực trên biển và các đảo: Tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi để hướng dẫn di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình hạ tầng, nhà cửa của người dân trên các đảo.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư. Kiểm tra và có các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu.
Đối với khu vực miền núi, trung du: Chỉ đạo các tổ, đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh. Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.