Không chủ quan với bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Không chủ quan với bệnh tay chân miệng ở trẻ em

24/07/2018
Lượt xem: 821

Theo đánh giá của Sở Y tế Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành y tế luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên người ở các tuyến. Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có giảm hơn so với cùng kỳ nhưng không đáng kể. Riêng bệnh tay chân miệng, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 869 ca mắc mới.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh thường gia tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9, tháng 10. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối… Theo các bác sĩ chuyên khoa, khoảng 90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng diễn tiến lành tính, khỏi bệnh sau 1 tuần. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... Đặc biệt với trẻ em, nếu phát hiện và điều trị không kịp thời thì nguy cơ biến chứng dẫn đến tử vong khá cao

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng, ngành y tế đề nghị các địa phương cần quan tâm triển khai công tác phòng chống dịch, tổng vệ sinh môi trường; đồng thời tiếp tục đưa ra khuyến cáo người dân, cộng đồng  về phòng chống bệnh tay chân miệng do hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh này. Đặc biệt đối với các môi trường dễ lây lan, bùng phát thành dịch như trường mầm non, nhà trẻ; nhà trường mà trực tiếp là các giáo viên cần hết sức lưu ý công tác vệ sinh phòng dịch, giữ gìn vệ sinh thân thể, trường lớp cho học sinh… cách ly ngay các trường hợp nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Khi trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh tay chân miệng đến lớp và chơi với các trẻ khác. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám và điều trị kịp thời khi nghi ngờ cháu mắc bệnh tay chân miệng.