Mô hình siêu thị 0 đồng

Mô hình siêu thị 0 đồng

23/11/2018
Lượt xem: 969

Phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An là địa phương phát triển công nghiệp dịch vụ thu hút nhiều lao động từ khắp nơi đến sinh sống, lập nghiệp. Để nâng cao hiệu quả công tác chăm lo cho các gia đình khó khăn ở địa phương, năm 2015, Hội liên hiệp phụ nữ phường xây dựng mô hình “Siêu thị 0 đồng”. Sau 4 năm hoạt động, mô hình được cán bộ hội viên phụ nữ đồng tình ủng hộ và trở thành điểm sáng trong hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ thị xã Thuận An.   

“Siêu thị 0 đồng” hoạt động mỗi quý 1 lần với phương châm: “Ai thừa đến ủng hộ, ai cần đến nhận”. Mục đích ra đời của mô hình là nhằm san sẻ, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tất cả 5 khu phố trên địa bàn phường Vĩnh Phú đều luân phiên thực hiện mô hình. Các mặt hàng tại siêu thị ngày càng đa dạng, gia tăng về số lượng. Những đồ gia dụng trong gia đình, quần áo và rau, củ, quả tại siêu thị được mọi người lựa chọn mang về mà không phải trả tiền. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn được siêu thị tặng thêm 1 phần quà gồm: lương thực, thực phẩm với trị giá mỗi phần là 100 ngàn đồng. Ngoài nông sản, thực phẩm thì các mặt hàng ở “siêu thị 0 đồng” chủ yếu là đã qua sử dụng, được các nhà hảo tâm ủng hộ.

Ý nghĩa của mô hình “Siêu thị 0 đồng” nằm ở chỗ: Người cho thì hạnh phúc khi được chia sẻ khó khăn với người khác, còn người nhận thì vui mừng, phấn khởi vì chọn được những món đồ ưng ý về cho gia đình. Để duy trì hiệu quả của mô hình, Hội phụ nữ phường đi đến từng nhà vận động, kêu gọi mọi người quyên góp những đồ dùng đã qua sử dụng rồi cùng nhau vận chuyển về khu phố. Không chỉ vậy, các cán bộ hội viên phân loại, sửa sang kĩ lưỡng từng mặt hàng trước khi trưng bày ở siêu thị.

Qua 4 năm hoạt động, “Siêu thị 0 đồng” đã tiếp đón gần 3.500 lượt người dân khó khăn đến nhận các mặt miễn phí về cho gia đình, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Của ít lòng nhiều. Mô hình thể hiện tấm lòng đùm bọc, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn đúng như truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Đồng thời, góp phần bồi dưỡng, vun đắp tình người, làm cho mối quan hệ, ứng xử giữa con người với nhau ngày thêm tốt đẹp hơn.