Người dân đồng tình với luật an ninh mạng ra đời

Người dân đồng tình với luật an ninh mạng ra đời

25/06/2018
Lượt xem: 716

Trong kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV, luật an ninh mạng đã được quốc hội thông qua với 86,86% đại biểu tán thành, điều đó đã cho thấy việc ra đời của luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV, các đại biểu quốc hội đã trở về các địa phương nhằm báo cáo với cử tri về nội dung và kết quả của kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV. Trong các buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe đại biểu quốc hội báo cáo rõ hơn việc chuẩn bị xây dựng Luật, những nội dung, điều khoản quan trọng của Luật an ninh mạng vừa được quốc hội thông qua, với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 86,86%. Trước hết phải khẳng định, Luật An ninh mạng không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, không bao giờ can thiệp vào thông tin cá nhân của bất kỳ ai. Sự can thiệp chỉ bắt đầu khi có dấu hiệu vi phạm an ninh mạng, thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hầu hết cử tri đều đánh giá cao việc ra đời của Luật an ninh mạng, bởi trên thế giới rất nhiều nước đã có Luật này. Việt Nam là nước thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, vì vậy cần sớm ban hành Luật An ninh mạng. Việc thông qua Luật an ninh mạng trong thời điểm này là cần thiết, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Công nghệ phát triển mang đến nhiều lợi ích, mặt khác cũng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ để tránh việc lợi dụng không gian mạng kích động, gây rối, phá hoại, lừa đảo.

Trong một thời gian dài, pháp luật Việt Nam chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quy định những hành vi bị cấm trên mạng xã hội, trong đó có việc bày tỏ ý kiến cá nhân không mang tính xây dựng mà vi phạm pháp luật. Điều này dẫn đến thực trạng một bộ phận người dân không hiểu, không nhận thức được hoặc cố tình thực hiện các hành vi phạm pháp trong khi cơ quan chức năng lại không đủ công cụ pháp luật để xử lý. Chính vì vậy, khi Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng đã có một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc tính đúng đắn của Luật. Các luận điệu kích động hay sử dụng là: khi luật an ninh mạng có hiệu lực sẽ mất đi quyền tự do báo chí, tự do cá nhân bày tỏ chính kiến hay sẽ lộ những thông tin cá nhân, hoạt động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin gặp khó khăn….

Thể hiện ý kiến cá nhân không chỉ là nhu cầu tất yếu của mỗi con người, mà còn là kênh ý kiến của nhân dân đang được các cấp, các ngành chức năng ở nước ta khuyến khích nhằm bổ sung, hoàn chỉnh các quyết sách phát triển kinh tế, xã hội. Nhất là trong thời đại internet, các thiết bị thông tin liên lạc di động, các mạng xã hội phát triển bùng nổ, việc thể hiện quan điểm cá nhân được thực hiện dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân một cách văn hóa, tôn trọng cộng đồng, mang tính chất xây dựng và không vi phạm pháp luật thì rất cần thiết. Do đó luật an ninh mạng ra đời và có hiệu lực sẽ góp phần ổn định tình hình chính trị an toàn xã hội và lợi ích từ chính người dân trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.