Nhiều người lao đao vì vướng vào đường dây tín dụng đen
Thời gian gần đây, không ít người dân, nhất là các công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vì hoàn cảnh khó khăn nên đã vay nóng của các cá nhân, tổ chức tín dụng cho vay nặng lãi. Hậu quả là họ nhanh chóng rơi vào tình cảnh lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất… Mặc dù lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triệt phá một số băng nhóm, giúp công nhân thoát khỏi vòng vây của các đối tượng chuyên cho vai nặng lãi. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, ATXH ở địa phương.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, 17 cụm công nghiệp, với trên 3 ngàn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động; thu hút trên 1 triệu lao động từ các nơi đến làm ăn và sinh sống. Chính vì vậy, tình hình an ninh trật tự cũng trở nên khá phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, khu nhà trọ… Nắm bắt được tâm lý cũng như thực tế là hầu hết người dân, nhất là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn cần tiền mặt để chi tiêu trong cuộc sống, nhưng lại khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng... Chính vì vậy trong những năm gần đây Bình Dương đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi nhằm vào đối tượng công nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Với các thủ đoạn là phát tờ rơi, dán những tờ quảng cáo “cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp, giải ngân nhanh” kèm theo đó là số điện thoại để khách hàng liên lạc… đã khiến nhiều người dính bẫy tín dụng đen, dẫn đến nợ nần chồng chất.
Chỉ tính riêng trong hai tháng 8 và 9 năm nay, Công an tỉnh Bình Dương và các huyện, thị xã, thành phố đã triệt phá nhiều băng nhóm liên quan đến tín dụng đen. Điển hình như vào ngày 15/9 vừa qua, một băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi “núp bóng” dưới hình thức cho vay tiêu dùng do hai đối tượng Lưu Văn Hải 27 tuổi và Ðồng Văn Hùng 21 tuổi, cùng quê Hải Phòng cầm đầu đã bị triệt phá. Tại thời điểm kiểm tra, Công an thu giữ tang vật gồm 120 tờ rơi có nội dung hỗ trợ tài chính và cho vay trả góp, hơn 11 triệu đồng tiền mặt, hai giấy đăng ký xe… Hay như vụ đối tượng Vũ Ngọc Cường 26 tuổi, quê Bắc Cạn cùng 9 thanh niên khác bị điều tra về hành vi cố ý gây thương tích và cho vay nặng lãi. Vụ Nguyễn Công Trường 26 tuổi, ngụ Ðắc Lắc cùng 7 đối tượng khác về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hoạt động “tín dụng đen được triệt phá trong tháng 8/2018”. Qua điều tra, lực lượng chức năng thu giữ nhiều giấy tờ cho vay với lãi suất “cắt cổ” từ 10 - 20%/tháng, cùng nhiều hung khí các loại. Ngoài việc cho vay lãi suất cao, các đối tượng này còn giữ lại toàn bộ bản chính các loại giấy tờ của người vay như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký xe máy. Nếu người vay không có khả năng trả nợ gốc và lãi hàng tháng sẽ bị ép viết giấy nợ và thu giữ tài sản để trừ nợ.
Thiết nghĩ, cùng với việc ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các đối tượng cho vay nặng lãi, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng cần rà soát các chính sách, quy trình xét duyệt hồ sơ, cũng như triển khai nhiều gói vay tín dụng lãi suất thấp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, cũng như trong hoạt động kinh doanh.