Những hệ lụy đối với người dân khi mua đất chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý
Với nhu cầu mua đất của người dân, đặc biệt là lao động nhập cư tăng cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương,thời gian qua, có những dự án bất động sản, mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đầu tư cơ sở hạ tầng, song một số đối tượng vẫn tiến hành phân lô dự án trên giấy, rồi tiến hành bán theo hình thức góp vốn, điều này đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
NHỮNG HỆ LỤY ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN
KHI MUA ĐẤT CHƯA HOÀN THIỆN THỦ TỤC PHÁP LÝ
Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở Hà Nam vào Bình Dương sinh sống và lập nghiệp cách đây gần 10 năm. Sau thời gian dài sinh sống ở nhà trọ, khi tích cóp được 1 số tiền tiết kiệm, cùng với vay mượn người thân và bạn bè, vào giữa năm 2017 gia đình chị đã quyết định đi tìm đất để mua, với mong mỏi có được miếng đất để cất nhà, nhằm an cư lạc nghiệp ở Bình Dương. Sau một thời gian tìm kiếm thông qua môi giới của các cò đất, gia đình chị đã quyết định mua miếng đất 110 mét vuông ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, với giá gần 750 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần thanh toán cho bên bán với số tiền trên 460 triệu đồng, đến nay dự án được các cò đất vẽ ra vẫn gần như bất động. Vì vậy nhiều người mua gặp hoàn cảnh trớ trêu như gia đình chị Đào đã tìm cò đất đòi lại tiền, còn gia đình chị Đào quyết đâm lao thì phải theo lao, với mong muốn dự án nhanh được triển khai. Bởi hiện nay, với số tiền được trả lại sau 2 năm thanh toán, khi lấy lại không biết mua ở đâu, với giá đất tăng phi mã trong 2 năm qua.
Còn đây là khu dân cư đã có chủ trương và quy hoạch cách đây gần 10 năm. Sau bao năm trả tiền, mòn mỏi chờ chủ đầu tư triển khai dự án và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thế nhưng hiện nay, sổ đỏ giao cho người dân mới chỉ là sổ đỏ đứng tên của chủ đầu tư. Lý do là chủ đầu tư chưa hoàn thiện phần hạ tầng, nên chưa thể chuyển nhượng lại cho từng hộ dân. Còn người dân ở đây gặp phải rất nhiều khó khăn, khi đã bỏ tiền ra mua nhưng không thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình. Vì vậy nhiều người không thể sử dụng tài sản mà mình đã mua, để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng, cũng như không làm được số nhà, nhập hộ khẩu cho con cái học hành.
Lợi dụng sức nóng của thị trường bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã quyết định bán đất kiểu lúa non theo hình thức góp vốn, điều này là sai quy định của pháp luật. Bởi theo Luật đất đai 2013, Luật nhà ở 2014 và Luật đầu tư kinh doanh bất động sản 2014, khi chủ đầu tư muốn bán đất cho người dân buộc phải hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đồng thời phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu hạ tầng. Bên cạnh đó, phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Vì vậy, việc tiến hành bán đất nền ngay khi vừa có hoặc chưa có chủ trương và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là hoàn toàn sai luật. Người chịu thiệt ở đây không ai khác chính là những người dân. Bởi để hoàn thành được một dự án khu dân cư và đô thị kéo dài rất nhiều năm, trong khi đó đa phần các chủ đầu tư không có năng lực tài chính, nên sổ đỏ sẽ được mang đi cầm cố vay ngân hàng và khi thị trường bất động sản đóng băng hoặc ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản, thì chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đầu tư hạ tầng. Từ đó xảy ra những tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư, người mua đất và ngân hàng. Thực tế này đã diễn ra rất nhiều trong thời gian qua.
Việc bán đất kiểu lúa non trong thời điểm sốt đất đã đánh trúng vào tâm lý của người mua, vì giá thường thấp hơn từ 20 đến 30% so với bất động sản đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tuy nhiên người dân không nên ham rẻ mà chuốc lấy những hệ lụy không mong muốn về sau. Do đó khi mua bất động sản, người dân cần phải tìm hiểu tính pháp lý của dự án thông qua các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời phải lựa chọn được chủ đầu tư có uy tín và năng lực để tránh tiền mất, tật mang.