Những hệ lụy khi mua đất theo hình thức góp vốn
Trong những tháng cuối năm 2017 và năm 2018, thị trường bất động sản Bình Dương sôi động sau nhiều năm trầm lắng. Vì vậy một số chủ đầu tư đã lợi dụng sức nóng của thị trường tiến hành phân lô trên giấy rồi bán theo hình thức góp vốn, điều này đã và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi có nhiều dự án vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Với việc thị trường bất động sản trong năm 2018 nóng lên, đã có một số cá nhân và doanh nghiệp tiến hành thu mua đất nông nghiệp của người dân rồi xin chủ trương thực hiện dự án. Bên cạnh đó, có những dự án sau nhiều năm nằm bất động, đã được chủ đầu tư khác mua lại. Điều đáng nói trong số rất nhiều dự án khu dân cư và đô thị, mặc dù các thủ tục đầu tư chưa hoàn thiện, như chưa được chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án… nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn cứ thản nhiên san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Hoặc có những dự án chưa đả động đến xây dựng hạ tầng và đền bù, song chủ đầu tư và một số cá nhân vẫn tiến hành bán theo hình thức góp vốn.Luật sư Thái Thanh Hải – Phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bình Dương
Hiện nay lợi dụng sức nóng của thị trường bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã quyết định bán lúa non theo hình thức góp vốn, điều này là sai quy định của pháp luật. Bởi theo luật đất đai 2013, luật nhà ở 2014 và luật đầu tư kinh doanh bất động sản 2014, khi chủ đầu tư muốn bán đất cho người dân buộc phải hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đồng thời phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu hạ tầng. Bên cạnh đó, phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Vì vậy việc tiến hành bán đất nền ngay khi vừa có chủ trương và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là hoàn toàn sai luật. Người chịu thiệt ở đây không ai khác chính là những người dân đã bỏ tiền để mua đất nền trên giấy. Bởi để hoàn thành được một dự án khu dân cư và đô thị kéo dài rất nhiều năm, trong khi đó đa phần các chủ đầu tư không có năng lực tài chính, nên sổ đỏ sẽ được mang đi cầm cố ngân hàng để vay vốn. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng hoặc ngân hàng siết van bất động sản, thì chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đầu tư hạ tầng. Từ đó xảy ra những tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư, người mua đất và ngân hàng, trên thực tế đã diễn ra rất nhiều vụ trong thời gian qua.
Việc bán lúa non trong thời điểm sốt đất đã đánh trúng vào tâm lý của người mua với mục đích lướt sóng, cũng như để ở, vì giá thường thấp hơn từ 20 đến 30% so với bất động sản có thủ tục pháp lý hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc bất chấp rủi ro sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, làm cho thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh. Đồng thời sẽ có một nguồn vốn lớn chôn vào trong bất động sản, kế đến người mua cuối cùng sẽ là người chịu thiệt và gây ra những bất ổn xã hội. Đó là những hệ lụy khi mua các bất động sản chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý.