Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP
Chiều 12/11, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan, gọi tắt là Hiệp định CPTPP được ký ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chile.
Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 2.
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về hai dự án luật, đại biểu cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công có mối tương quan với nhau, nếu quản lý thuế tốt, chống thất thu thì mới có tiền để đầu tư công, ngược lại, đầu tư công mà hiệu quả thì người nộp thuế mới thấy đồng lòng, đầu tư công mà lãng phí dẫn đến việc thu thuế khó khăn. Thường vụ Quốc hội cần xem xét mối tương quan này.
Trước đó, với 89,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài. Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng, từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng.