Tác động từ chính sách hỗ trợ cây ăn quả đặc sản
Để tạo động lực cho việc phát triển cây ăn quả đặc sản ở Bình Dương,Quyết định số 63 của UBND tỉnh về “Hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2017-2021” tiếp tục được ngành nông nghiệp, Hội nông dân triển khai đến các địa phương trong tỉnh. Riêng ở vùng trồng bưởi đặc sản cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, chính sách là động lực lớn cho nông dân đầu tư sản xuất.
Hiện toàn xã Bạch Đằng có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích 400 hécta. 2 giống bưởi đặc sản truyền thống của địa phương được người dân mở rộng diện tích là bưởi đường lá cam và bưởi ổi. Xác định bưởi là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân, Chính quyền địa phương đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ của tỉnh về phát triển cây bưởi đặc sản. Phần lớn các hộ trồng bưởi đều tham gia chính sách “Hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021” theo Quyết định số 63 của UBND tỉnh Bình Dương. Toàn xã hiện đã có 330 hộ nông dân tham gia chính sách với diện tích hỗ trợ trên 76 hecta, số tiền hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng để đầu tư trồng mới, chăm sóc và thâm canh. koNhững hộ đăng ký tham gia chương trình được hỗ trợ nhiều mặt trong sản xuất. Chính sách được triển khai kịp thời và liên tục đã tác động tích cực đến phát triển cây ăn trái đặc sản ở Bạch Đằng.
Song hành với thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng được chú trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vườn bưởi. Hiện nay, năng suất vườn bưởi tăng từ 15%-30% so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản cùng với quyết tâm của nông dân trong sản xuất đã đưa nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” vươn xa trên thị trường.
Cùng với bưởi đặc sản cù lao Bạch Đằng, hơn 1.600 hộ trồng cây ăn quả đặc sản ở xã An Sơn và các phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm (thị xã Thuận An)cũng đăng ký tham gia chính sách với diện tích hỗ trợ trên 406 hecta. Tổng số tiền hỗ trợ theo Quyết định 63 cho các vùng trồng cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh hiện gần 6 tỷ đồng, đã thực sự tạo động lực cho việc duy trì và phát triển cây ăn quả đặc sản ở Bình Dương.