Tăng cường đối thoại trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Tăng cường đối thoại trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp

25/09/2018
Lượt xem: 723

Xây dựng mối quan hệ bền vững giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển một cách toàn diện và bền vững. Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tạo sự gần gũi, sẻ chia, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động. Từ đó có sự định hướng, vun đắp quan hệ lao động tại doanh nghiệp hài hòa, ổn định.

Từ nhiều năm qua, công ty TNHH Phú Xuân ở địa bàn thành phố Thủ Dầu Một được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có sự ổn định lao động cao. Đạt được kết quả này, không chỉ đơn thuần là ở chính sách lương thưởng, phụ cấp, thu nhập, mà điều quan trọng nhất là doanh nghiệp luôn đánh giá cao vai trò của người lao động, xem công nhân lao động như là những cộng sự quan trọng trong thành công của doanh nghiệp. Điều này đã được chính doanh nghiệp cụ thể hóa thông qua việc xây dựng cơ chế đối thoại gần gũi, tạo điều kiện để tất cả công nhân lao động được nêu tâm tư nguyện vọng, chính kiến của mình với tổ chức công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp.

Nếu ví mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động như “huyết mạch”, quyết định sự sinh tồn, phát triển của doanh nghiệp, thì việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là “sợi dây” thắt chặt thêm niềm tin của người lao động đối với người sử dụng lao động. Và một khi người lao động tin tưởng, gắn bó hơn với doanh nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo tiền đề xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, bền vững và có lợi cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hiện đang có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động một cách trật tự, quy củ, thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội. Đây cũng chính là động lực quan trọng nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, đem lại lợi ích cho cả hai bên cũng như tạo sự ổn định xã hội nói chung.

Đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động cũng chính là đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp muốn ổn định được nguồn lao động thì cần phải thực hiện tốt chế độ chính sách chăm lo người lao động, phải biết tôn trọng công nhân của mình, rà soát lại cách quản lý, điều hành để giải toả mọi vướng mắc cho công nhân.

Và hơn ai hết, người sử dụng lao động cần tăng cường đối thoại hơn nữa với công nhân trong quá trình làm việc, nhằm tạo sự gần gũi, cảm thông giữa hai bên trong quan hệ lao động. Đây cũng chính là cơ sở để bình ổn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động bền vững trong các doanh nghiệp.