Tràn lan tin giả trên mạng xã hội
Với hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội mỗi ngày, thì việc kiểm soát hết tất cả nội dung, là việc không dễ dàng đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Với tính năng gợi ý những nội dung được nhiều người xem và chia sẻ trong cộng đồng để thu hút quảng cáo, những nội dung xấu, thông tin giả, sai sự thật càng nhanh chóng lan truyền rộng rãi.
TRAN LAN TIN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Khoảng 1 tháng trước đây, trang fanpage “Đầm bầu Mami” đã đăng tải thông tin và hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán heo nhiễm dịch tả châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt heo vì có thể lây sang người. Tuy nhiên, sau khi xác minh, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông đã xác định những hình ảnh, nội dung trên fanpage này là lấy lại từ nhiều báo điện tử về bệnh sán dây trên heo xảy ra tại Bình Phước hồi năm trước. Đồng thời thông tin lây sang người cũng không chính xác.
Không chỉ là vấn nạn tung tin giả, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện hành vi giả mạo các trang thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước đưa các thông tin thất thiệt, sai sự thật, lái dư luận theo chủ đích khác nhau. Mới đây nhất lại xuất hiện thêm một tài khoản giả mạo Ban Tuyên giáo Trung Ương. Việc giả mạo như vậy tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan, vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng, đăng tải nội dung thông tin.
Thực tế, việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội chưa có kiểm chứng, gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 20, điều 21 Hiến pháp năm 2013. Hành vi này ngoài xử lý dân sự, hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2009. Là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng Facebook lớn nhất thế giới, thì việc tung tin giả hay lập các trang thông tin giả là vô cùng nguy hại khi nó tác động đến hàng chục triệu người.