Viễn cảnh thị trường lao động Châu Á

Viễn cảnh thị trường lao động Châu Á

26/11/2018
Lượt xem: 581

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, và Châu Á cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều này tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, đặc biệt là ở khu vực vốn đượcxemlà có nguồn lao động dồi dào. Làm thế nào để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng với thời đại mới là vấn đề trọng tâm được bàn luận tại phiên đối thoại Viễn cảnh thị trường lao động Châu Á sáng 26/11.

Phiên đối thoại thu hút đông diễn giả, lãnh đạo nhiều tổ chức lớn của các nước tham gia, bởi thị trường lao động là một trong những vấn đề mang tính quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Các diễn giả cùng nhau phân tích, mổ xẻ sự khác nhau giữa mô hình việc làm truyền thống và yêu cầu đặt ra đối với lao động hiện tại, dựa trên nền tảng sự thay đổi các loại hình kinh doanh. Đa số các ý kiến đều nhất trí việc cần quan tâm nhất để nâng cao chất lượng lao động tại các nước Châu Á, mà điển hình là ở Việt Nam, là phải đầu tư về giáo dục. Trong đó, chú trọng đào tạo kĩ năng mềm, kĩ năng tự học, tư duy nghề nghiệp sáng tạo và khoa học công nghệ. Đại diện diễn giả đến từ các nước như Singapore, Ấn Độ chia sẻ về thành quả mô hình giáo dục hiện đại đang áp dụng tại quốc gia họ. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp cho các quốc gia khác, bởi lao động tại mỗi nước có những đặc thù, tính chất khác nhau.

Diễn ra song song với phiên đối thoại về chất lượng thị trường lao động là phiên đối thoại với chủ đề lợi ích sâu sắc của thể thao. Đây được xem là sợi dây kết nối mạnh mẽ không chỉ người dân trong một quốc gia, mà còn giữa các quốc gia khác nhau. Thể thao mang lại lợi ích xã hội khi giúp người dân tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và chính phủ giảm bớt dịch bệnh toàn cầu. Điều này sẽ gián tiếp làm lợi cho doanh nghiệp và góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

Kết thúc phiên đối thoại, các đại biểu đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, dành cho lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, cần nhiều nguồn lực đầu tư đúng hướng hơn nữa để thể thao ở Châu Á phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.