Xã hội hóa hoạt động công chứng ở Bình Dương
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Tỉnh Bình Dương đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được đăng ký hoạt động hành nghề công chứng. Cũng từ chủ trương này, những văn phòng công chứng tư nhân ở Bình Dương được thành lập, mang lại hiệu quả xã hội cao.
Là một trong những tổ chức hành nghề công chứng đầu tiên của tỉnh được thành lập theo chủ trương xã hội hóa, đến nay, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, văn phòng công chứng Bình Dương ở thị xã Bến Cát đã phát huy tốt vai trò của mình, phục vụ hiệu quả nhu cầu công chứng của người dân. Trung bình mỗi ngày văn phòng công chứng Bình Dương thực hiện công chứng khoảng trên dưới 20.000 hợp đồng giao dịch các loại.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, Trong đó có 27 văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa. Theo quy định của Luật công chứng, thì các tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm cả phòng công chứng Nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân đều bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công chứng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ công chứng, gắn liền với đề cao tinh thần phục vụ khách hàng và đảm bảo tính an toàn về mặt pháp lý cho các bên tham gia giao dịch của các văn phòng công chứng.
Nhằm phát huy vai trò tổ chức hành nghề công chứng, Bình Dương đã xúc tiến thành lập Hội công chứng viên tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong mục tiêu liên kết, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng trên địa bàn.
Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang góp phần đáp ứng tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh.