Bình Dương Mến Yêu

Bàu Bàng đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

Hiện nay, Bàu Bàng là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Sự vươn mình bứt phá mạnh mẽ của huyện Bàu Bàng sau gần 10 năm đi vào hoạt động là thành quả tất yếu của sự đồng tâm hiệp lực, của tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân; nhất là việc tập trung vào các khâu, lĩnh vực chiến lược như: phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực làm nền tảng đột phá đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh mẽ.

 BÀU BÀNG ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

 Phát huy những tiềm năng, lợi thế và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, huyện Bàu Bàng đã nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển liên tục và toàn diện. Đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, gắn với đô thị hoá đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh Bình Dương. Trong quí 1/2023, Bàu Bàng đã thu hút được 05 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký là 14,73 triệu đô la Mỹ và 03 dự án đăng ký tăng thêm vốn là 6,2 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 1.382 dự án. Trong đó có 1.156 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 32.136 tỷ đồng và 226 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỉ đô la Mỹ. Để trở thành điểm đến được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, ngoài những lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng, thời gian qua, Bàu Bàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính huyện được nâng cấp đồng bộ, hệ thống mạng LAN, Wifi tòa nhà dùng chung được đầu tư mới 100%, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Song song đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số như: đăng ký tài khoản và sử dụng Cổng Dịch vụ công Bình Dương, Tổng đài 1022, ứng dụng Bình Dương số, ứng dụng định danh và xác thực định danh điện tử (VNeID), ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID), ứng dụng của Điện lực, ứng dụng Du lịch Bình Dương... được đẩy mạnh thực hiện nhằm hướng đến chính quyền số.

Trong quá trình triển khai dự án đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với việc đồng hành, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh đã giúp doanh nghiệp thêm an tâm gắn bó lâu dài với địa phương. Điển hình như công ty TNHH công nghiệp Zhong Ju Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan chính thức khởi công dự án nhà máy dệt nhuộm, có tổng vốn đầu tư 31 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp – đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng vào tháng 4/2021. Trong quá trình triển khai dự án, ngoài khó khăn khách quan do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình, công ty Zhong Ju Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về PCCC. Vì vậy, mặc dù công trình đã hoàn thiện xây dựng nhưng các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công và chủ đầu tư không thể thực hiện các thủ tục nghiệm thu về PCCC để đưa vào sử dụng. Đến tháng 4/2023, công trình này đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC theo Công văn số 1091 của Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ – Bộ Công an. Với sự hướng dẫn tích cực của các cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Bình Dương, các cơ quan, ban ngành huyện Bàu Bàng và nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư, đến nay, công trình này đã được chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu về PCCC và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6/2023.

Cùng với việc chú trọng phát triển công nghiệp, huyện Bàu Bàng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và mời gọi thu hút đầu tư, phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm của huyện đạt mức cao. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện phát triển được 06 chi nhánh ngân hàng và các phòng giao dịch; Xây dựng mới, đầu tư nâng cấp được 9 chợ, trong đó có 7 chợ đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có khoảng 8.800 hộ kinh doanh cá thể, với tổng vốn đăng ký khoảng 2.000 tỉ đồng. Để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, vừa qua, UBND huyện đã thực hiện thí điểm “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” trên tuyến đường NC, khu phố Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, qua đó khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp, quán ăn, tiệm tạp hóa,… và người dân đi mua hàng sử dụng nền tảng số để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Lợi ích của mô hình này là nhanh gọn, an toàn, tiện lợi cũng như giúp nâng cao trình độ dân trí trước xu thế phát triển nhanh chóng của công nghệ số.

Để tạo thuận tiện cho người dân trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn huyện đã phủ đầy các mã QR cho tất cả các cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh mua bán, hộ kinh doanh cá thể... Các cơ sở này chỉ cần cài đặt phần mềm trên điện thoại di động và đặt các mô đun thanh toán tại cơ sở kinh doanh của mình để người dân dễ dàng chọn ngân hàng, tổ chức tín dụng thanh toán, giao dịch phù hợp. Đối với người mua hàng, dù mua bất cứ mặt hàng nào với giá trị bao nhiêu đi nửa, người mua chỉ cần mở phần mềm đã cài đặt trên điện thoại thông minh ra quét mã QR, điền số tiền mua hàng và nhấn nút thanh toán là người bán hàng sẽ nhận được khoản tiền trong tít tắt qua tin nhắn. Hiện tại, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, chủ cơ sở kinh doanh và sẽ được nhân rộng ra các tuyến đường khác trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Bàu Bàng đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây là kết quả tất yếu từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là việc tập trung vào các khâu, lĩnh vực chiến lược như phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp – đô thị phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng trong lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền còn được thể hiện rõ qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong toàn huyện. Điều này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới để huyện Bàu Bàng tiếp tục vươn lên trong chặng đường phát triển mới, xứng tầm là trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×