Bình Dương Mến Yêu

Bình Dương đầu tư hạ tầng, tăng liên kết vùng phát triển xanh, bền vững

Vùng Đông Nam bộ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam bộ - Bình Dương là cực tăng trưởng q

Nghị quyết 24- NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Vùng Đông Nam bộ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam bộ - Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

BÌNH DƯƠNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, TĂNG LIÊN KẾT VÙNG,

PHÁT TRIỂN XANH, BỀN VỮNG

Với tinh thần năng động sáng tạo, ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Bình Dương đã phát huy được lợi thế về quỹ đất, vị trí địa lý gần sân bay quốc tế, không xa cảng biển, để bứt phá nhanh trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong phát triển công nghiệp Bình Dương xác định “hạ tầng phải đi trước một bước”. Các công trình giao thông tạo lực đã được xây dựng theo hướng đồng bộ, liên thông, kết nối các khu vực trong tỉnh với các trục quốc lộ, ưu tiên kết nối hợp lý tạo liên kết vùng, góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bình Dương còn xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch hiện đại, đồng bộ; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, với 60.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 4.000 dự án/tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD. Nếu như cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 1975-1985 nông nghiệp chiếm đến 66%, công nghiệp chỉ có 8%, thì hiện nay công nghiệp chiếm hơn 67%, dịch vụ hơn 22,2%, nông nghiệp chỉ còn gần 2,7%. Bình Dương đang là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam.

Bằng khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới, năng lực thực hiện, cùng với chiến lựợc phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, Bình Dương đang hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, Bình Dương đã đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng, 1 trụ cột an sinh xã hội, cùng 6 yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, 3 trụ cột tăng trưởng gồm: công nghiệp, dịch vụ và đô thị thông minh sinh thái. Một trụ cột an sinh xã hội là phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ. Sáu yếu tố hỗ trợ gồm: nguồn vốn đa dạng sử dụng hiệu quả, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách và thể chế đột phá, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong năm 2023, trọng tâm là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  Song song đó, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI. Từ đó, thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

 Những năm qua, hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương liên tục được đầu tư phát triển và trở thành một lợi thế trong thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có trên 7421 km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ, 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài gần 450 km, các tuyến đường huyện và đường đô thị đã được nhựa hóa đạt khoảng 90%. Để tiếp tục phát triển bền vững, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, tăng liên kết vùng như: đường Vành đai 3, Vành đai 4,  đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép,  xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải, phát triển mô hình đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Hướng đến sự phát triển xanh bền vững, Bình Dương đang tiến hành tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp vùng. Quá trình tái cấu trúc chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 định hướng xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp thông minh, khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương nhanh và hiệu quả, làm gia tăng năng suất lao động, đồng thời thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2, tỉnh Bình Dương xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ thu hút các viện trường, hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo các ngành dịch vụ, dịch vụ số, từ đó thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ trương của Chính phủ. Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước đã triển khai đề án thành phố thông minh. Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" được triển khai từ năm 2016 dựa trên mô hình tương tác giữa "ba nhà" là nhà nước, nhà trường (gồm các viện nghiên cứu, trường đại học) và nhà doanh nghiệp để tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo và tìm các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, mang thêm tiện ích và cải thiện thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Kể từ lần đầu tiên được vinh danh vào năm 2019, đến nay Bình Dương tiếp tục được vinh danh lần thứ tư liên tiếp là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới, và là lần thứ hai được vinh danh "Top 7 ICF" trong cộng đồng thông minh thế giới có tới gần 200 thành viên. Chiến lược phát triển thành phố thông minh, vùng đổi mới, sáng tạo sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút dịch vụ, Khoa học – Công nghệ, chuyển đồi số,  đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thúc đầy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, phát triển đô thị hiện đại, tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường, chất lượng sống, chất lượng đầu tư.

Với chiến lựợc phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, Bình Dương tự tin hướng đến mục tiêu đã đặt ra là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo, đến năm 2045 là đô thị thông minh, động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước. 

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×