Thời sự Bình Dương

Bình Dương đầu tư hiệu quả các vùng cây ăn trái có múi tập trung

Việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương , với mức tăng 4% so với năm 2016.

Năm 2017, tiếp tục thực hiện mục tiêu “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, sản xuất nông nghiệp ở Bình Dương được đầu tư theo qui mô lớn. Nổi bật là việc hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với mức tăng 4% so với năm 2016. Sản xuất tập trung còn tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.  

Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt trên 5.400 hecta, tăng 3% so với năm trước. Trong đó, đặc thù có các vùng trồng cam, quýt ở xã Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Định - huyện Bắc Tân Uyên; vùng trồng bưởi đặc sản ở cù lao Bạch Đằng- thị xã Tân Uyên; vùng trồng quýt ở xã Trừ Văn Thố, Cây Trường huyện Bàu Bàng; vùng trồng cam, bưởi ở các xã Tam Lập, An Thái huyện Phú Giáo. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng dọc các sông Đồng Nai, sông Bé, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh về nguồn vốn đầu tư, nông dân đã tích cực đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn trái có múi.

Là vùng chuyên canh cây bưởi, cù lao Bạch Đằng có hơn 650 hộ trồng bưởi với tổng diện tích gần 400 hécta, trong đó diện tích cho sản phẩm là trên 300 hécta. Hai giống bưởi đặc sản được nông dân trồng chính là bưởi đường da láng và đường lá cam. Bưởi là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân cù lao Bạch Đằng. Do vậy, địa phương đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh về phát triển cây bưởi đặc sản cho nông dân. Phần lớn các hộ trồng bưởi đều tham gia chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 63 của UBND tỉnh thay thế Quyết định số 45 đã thực hiện trong giai đoạn 2013 -2016.

Với lợi thế nằm dọc sông Đồng Nai, có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho trồng cây ăn trái có múi, nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên tích cực đầu tư mở rộng diện tích. Toàn xã có trên 100 hộ trồng với diện tích trên 1.000 hécta, chủ yếu là các loại cam, quýt, bưởi. Nông dân đầu tư trồng cây ăn trái có múi đa phần với diện tích lớn, qui mô trang trại vài chục hecta. Để nông dân thuận lợi trong sản xuất, cơ sở hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu trong sản xuất và vận chuyển nông sản. Tiếp sức cho nông dân phát triển diện tích cây ăn trái có múi, tỉnh thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng nông sản.

Phát triển cây ăn trái có múi theo vùng sản xuất tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh là hướng phát triển phù hợp ở các địa phương có quỹ đất nông nghiệp lớn, khai thác hiệu quả và phát huy lợi thế của các vùng đất ven sông. Việc hình thành vùng sản xuất tập trung đã tạo ra lượng lớn nông sản cung ứng cho thị trường và tăng giá trị hàng nông sản ở Bình Dương.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×