Bình Dương Mến Yêu

Bình Dương đẩy mạnh cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế xã hội

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã và đang quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính xem đây là cơ sở quan trọng tạo động lực cho sự phát triển của Bình Dương trong kỷ nguyên mới với tất cả các loại hình dịch vụ và công nghệ cao, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với một nền hành chính hiện đại, thân thiện, hiệu quả.

BÌNH DƯƠNG ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Với nhiều giải pháp hiệu quả, và những bước đi mới hướng đến Thành phố thông minh, Bình Dương đã và đang xây dựng, vận hành chính quyền kiến tạo, phục vụ, minh bạch, thân thiện, thông suốt trong giải quyết thủ tục hành chính. Mô hình ấy chính là một trong những nền tảng quan trọng thúc đẩy Bình Dương bứt phá nhanh trên con đường phát triển trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước. Hiện nay, Bình Dương là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 13.600 ha. Quy mô kinh tế tổng sản phẩm năm 2022 đạt hơn 459.000 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 4.100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được triển khai toàn diện, đồng bộ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Mục tiêu cải cách hành chính được tỉnh đề ra là: xây dựng nền hành chính tỉnh Bình Dương dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ theo vị trí việc làm, có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 2 yêu cầu rất quan trọng được đặt ra. Thứ nhất là Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng Chính quyền số, Chính quyền điện tử với lộ trình phù hợp. Thứ hai là: Cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.

Trong cải cách hành chính thì cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu cơ chế “xin – cho”. Nhiều điểm nghẽn về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.

Vừa qua, nhiều chỉ số quan trọng Cải cách hành chính của năm 2022 đã được công bố. Các chỉ số này là một trong các kênh thông tin phản ánh cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chất lượng điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo kết quả công bố, năm 2022 bên cạnh những chỉ số duy trì ở mức cao thì tỉnh Bình Dương vẫn còn một số chỉ số chưa có nhiều cải thiện. Trong 2 năm liên tục 2021 và 2022, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (hay còn gọi là chỉ số PAPI) của Bình Dương giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh thành. SIPAS là chỉ số thể hiện kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công. Chỉ số SIPAS dựa trên kết quả điều tra xã hội học đối với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát. Năm 2022, chỉ số SIPAS của Bình Dương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2021. PAR Index là chỉ số cải cách hành chính. Chỉ số PAR Index dùng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả Cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước. Năm 2022, chỉ số PAR Index của Bình Dương xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, giảm 22 bậc so với năm 2021. PCI là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp khối tư nhân trong nước. PCI sẽ đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn. Năm 2022, Bình Dương xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố.

 Có thể khẳng định rằng những chỉ số trên là sự phản ánh chân thật hiệu quả công tác cải cách hành chính, qua đó giúp tỉnh nhà có cái nhìn rõ nét hơn về những điều làm được và chưa làm tốt để kịp thời đề ra những giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh cải cách hành chính.Cả hệ thống chính trị tiếp tục cải thiện hơn nữa Chỉ số CCHC, góp phần tạo động lực để thúc đẩy Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, thông qua việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm một cách cụ thể, thực chất, đặt ra mục tiêu rõ ràng, phù hợp với thực tiễn của đơn vị, địa phương và yêu cầu của tỉnh.

Tỉnh Bình Dương luôn xác định: cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số là một giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm xây dựng chính quyền phục vụ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. UBND tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản phương thức làm việc của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, theo kế hoạch thì Bình Dương sẽ thực hiện 23 lĩnh vực phải có cơ sở dữ liệu, liên thông dữ liệu thông suốt giữa các ngành, các địa phương cho đến xã phường. Với quyết tâm và những giải pháp hữu hiệu, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng một chính quyền kiến tạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×