Bình Dương Mến Yêu

Bình Dương: Khát vọng - Đổi mới – Sáng tạo

Bình Dương tiếp tục được vinh danh lần thứ tư liên tiếp là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới.

Dòng chảy con sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cùng 2 phụ lưu là sông Thị Tính và sông Bé đã tạo nên vùng đất Bình Dương trù phú mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ với những thế hệ cư dân vừa sâu nặng ân tình, vừa năng động sáng tạo, dám nghĩ và dám làm.

BÌNH DƯƠNG

KHÁT VỌNG - ĐỔI MỚI-SÁNG TẠO

Dọc theo triền sông, những trang sử được lật lên từ lòng đất qua các di tích khảo cổ như: Vườn Dzũ, Cù lao Rùa - Gò Đá, Dốc Chùa, chứa đựng những nội hàm văn hoá khác nhau và có thể coi là tiêu biểu cho những giai đoạn phát triển của văn hoá tiền sử trên đất này, có niên đại từ 10.000 năm đến 2500 năm trước. Tiếp đó là giai đoạn hơn 300 năm bước chân người Việt khai khẩn đã để lại dấu ấn sâu đậm. Những ngôi đình rêu phong…Những ngôi chùa trầm mặc cùng thời gian…Những làng nghề truyền thống vẫn mang 1 sức sống bền bỉ…Những sinh hoạt văn hóa tinh thần vẫn lan tỏa trong đời sống cộng đồng…Cho đến nay, Bình Dương đã có 3 bảo vật quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Từ tiềm năng ấy, Bình Dương có thể phát triển tất cả các lọai hình du lịch như: du lịch lịch sử về nguồn, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, kế hoạch “Phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây chính là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển du lịch Bình Dương, không chỉ mang lại nguồn thu ngân sách từ ngành công nghiệp không khói, mà còn là hành động cụ thể thiết thực nhất góp phần đưa hương sắc Bình Dương ngày một bay xa.

Phù sa dòng sông cũng mang lại lợi thế trong phát triển, tạo nên một mảng xanh kết nối truyền thống với hiện đại. Trong cơ cấu kinh tế Bình Dương, nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 2,6% nhưng giá trị sản xuất không hề nhỏ. Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã làm xuất hiện thế hệ nhà nông mới dám nghĩ dám làm, nắm vững và ứng dụng khoa học công nghệ góp phần thắt chặt mối quan hệ 3 nhà là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông, làm nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp cũng là xuất phát điểm của Bình Dương trước khi tái lập tỉnh vào năm 1997. Với truyền thống văn hóa trọng tín, trọng tài, năng động, sáng tạo và nghĩa tình, Bình Dương đã kết hợp được sức mạnh văn hóa và thời đại để trở thành hình mẫu trong chuyển đổi kinh tế. Phát huy lợi thế về quỹ đất, vị trí địa lý gần sân bay quốc tế, không xa cảng biển, nên ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Bình Dương đã bứt phá nhanh trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nếu như cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 1975-1985 với nông nghiệp chiếm 66%, công nghiệp chỉ có 8%, thì hiện nay công nghiệp chiếm 67,63%, dịch vụ 22,23%, nông nghiệp chỉ còn 2,69%. Bình Dương đang là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.  Nhắc đến Bình Dương hôm nay là nhắc đến công nghiệp với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, với 60.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động. Nằm trong tứ giác phát triển vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người và là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.063 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tổng vốn đăng ký là 39,5 tỷ USD. Để tiếp tục phát triển và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương đang tiến hành tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp vùng. Quá trình tái cấu trúc chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 định hướng xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp thông minh, khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương nhanh và hiệu quả, làm gia tăng năng suất lao động, đồng thời thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2, tỉnh Bình Dương xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ thu hút các viện trường, hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo các ngành dịch vụ, dịch vụ số, từ đó thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

 Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ trương của Chính phủ. Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước đã triển khai đề án thành phố thông minh. Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" được triển khai từ năm 2016 dựa trên mô hình tương tác giữa "ba nhà" là nhà nước, nhà trường (gồm các viện nghiên cứu, trường đại học) và nhà doanh nghiệp để tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo và tìm các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, mang thêm tiện ích và cải thiện thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Kể từ lần đầu tiên được vinh danh vào năm 2019, đến nay Bình Dương tiếp tục được vinh danh lần thứ tư liên tiếp là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới, và là lần thứ hai được vinh danh "Top 7 ICF" trong cộng đồng thông minh thế giới có tới gần 200 thành viên. Mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. 

          Cùng với tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam, tỉnh Bình Dương cũng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, từng bước thăng hạng trong bảng đánh giá chỉ số chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, Bình Dương đã đề ra quá trình chuyển đổi số với 3 trụ cột đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số là động lực để Bình Dương tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực phát triển bền vững trong thời gian tới. Dấu ấn rõ ràng nhất của chuyển đổi số đó là trong lĩnh vực cải cách hành chính. Kể từ ngày 1-1-2022 tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn toàn tỉnh.  Cuối tháng 11 năm 2022, Bình Dương tiếp tục triển khai thí điểm Mô hình hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Dương. Đây là bước đi nhằm tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Với chiến lược phát triển cụ thể, những năm qua Bình Dương đã tập trung xây dựng, tiếp thị và xúc tiến thương hiệu, chia sẻ tham vọng và thành công của mình với khắp thế giới, mở ra nhiều kết nối hợp tác quốc tế, từ đó có thể học hỏi kinh nghiệm, trao đổi nhân lực, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, hướng đến mục tiêu lâu dài là phát triển bền vững. Trong một thế giới siêu kết nối, với việc trở thành điểm đến của các hội nghị quốc tế như: Hội nghị Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ thế giới WTA, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á HORASIS, cùng nhiều hoạt động đối ngoại sôi động và hiệu quả, đã cho thấy Bình Dương đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực xây dựng, quảng bá và khẳng định thương hiệu Bình Dương trên bản đồ khu vực và thế giới.

Như dòng sông đổ ra biển lớn, Bình Dương luôn mang khát vọng hướng đến sự đổi mới và sáng tạo. Với khát vọng ấy tỉnh Bình Dương luôn xây dựng một môi trường an toàn về an ninh trật tự, không ngừng làm mới chính mình để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, là điểm đến hấp dẫn cho tât cả mọi người ở mọi vùng miền, mọi quốc gia cùng đến đây hiện thực hóa ước mơ của mình./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×