Bình Dương Mến Yêu

Bình Dương - Nơi khởi nguồn thịnh vượng

Giá trị văn hóa cùng với truyền thống trọng tín, trọng tài, năng động, sáng tạo và nghĩa tình chính là nền tảng để Bình Dương phát huy tối đa nội lực, huy động hiệu quả ngoại lực trở thành điểm đến, sự lựa chọn của các nhà đầu tư và người lao động.

Bình Dương - vùng đất hiền hòa, trù phú được bao bọc bởi 2 dòng sông Sài Gòn và Đồng Nai-với tổng diện tích gần 2 ngàn 7 trăm km vuông, dân số gần 2,7 triệu người. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bình Dương trở thành nơi hội tụ dân cư mọi vùng, miền trong cả nước.

Với vị thế đắc địa, cách trung tâm TP HCM 30 km, cách sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sân Nhất chưa đầy 30 km, Bình Dương dễ dàng kết nối với các sân bay quốc tế, cảng biển như cụm cảng Sài Gòn, VICT, ICD Phước Long; các cảng biển Hiệp Phước, Cát Lái (TP HCM) và Cái Mép, Thị Vải (Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu).

BÌNH DƯƠNG–NƠI KHỞI NGUỒN THỊNH VƯỢNG

“Trải chiếu hoa thu hút đầu tư, trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”, xây dựng và vận hành mô hình “Chính quyền kiến tạo, Doanh nghiệp đồng hành, Người dân tham gia” là phương châm hành động được nhiều thế hệ lãnh đạo kế thừa và phát triển. Giá trị văn hóa cùng với truyền thống trọng tín, trọng tài, năng động, sáng tạo và nghĩa tình chính là nền tảng để Bình Dương phát huy tối đa nội lực, huy động hiệu quả ngoại lực trở thành điểm đến, sự lựa chọn của các nhà đầu tư và người lao động.

Tận dụng tối đa lợi thế vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, sự năng động - sáng tạo, dám nghĩ - dám làm của nhiều thế hệ lãnh đạo, Bình Dương đã bức phá, vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp năng động bậc nhất khu vực phía Nam, với cơ cấu kinh tế Công Nghiệp (67,1%) - Dịch Vụ (22,8%) - Nông Nghiệp (2,7%). Trong 25 năm qua, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Dương tăng gấp 105 lần, thu ngân sách tăng gấp 76 lần; GRDP bình quân đầu người đứng đầu cả nước, đạt hơn 7.200 USD/người/năm, tỷ lệ đô thị hóa trên 82%.Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

1. Để tạo động lực phát triển, Bình Dương đã và đang xây dựng, vận hành Chính quyền kiến tạo, phục vụ, minh bạch, thân thiện, thông suốt trong giải quyết thủ tục hành chính với phương châm: “xem khó khăn của doanh nghiệp là hạn chế của chính quyền, lấy sự thành công, hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền”.

2. Trong phát triển công nghiệp, Bình Dương xác định “Hạ tầng phải đi trước một bước”, “thông lộ, thông tài”. Các công trình giao thông tạo lực đã được xây dựng theo hướng đồng bộ, liên thông, kết nối các khu vực trong tỉnh với các trục quốc lộ, ưu tiên kết nối hợp lý tạo liên kết vùng, góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bình Dương còn xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch hiện đại, đồng bộ; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư.

Bình Dương hiện có 29 Khu công nghiệp và 12 Cụm công nghiệp đang hoạt động, với 60.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động; đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 4.000 dự án/tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD. Tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, được xem là một trong những địa phương tiên phong về công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước. Trong đó Becamex IDC là doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị, cung cấp các giải pháp tổng thể và toàn diện theo hướng hệ sinh thái công nghiệp thông minh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, phục vụ cho cộng đồng dân cư, tạo ra động lực trong phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương và cả nước.

3. Bình Dương chú trọng cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay tỉnh đã đầu tư phát triển 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt tỷ trọng giá trị sản xuất trên 30%.

4. Cơ cấu thương mại – dịch vụ chuyển dịch theo hướng thương mại – dịch vụ chất lượng cao. Thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logictics phát triển nhanh. Trong đó, Trung tâm thương mại thế giới WTC đã hình thành và đang dần được hoàn thiện, là nơi kết nối giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu.

5. Hệ thống trường đại học mang tầm quốc gia, quốc tế, cùng các trường nghề đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao;gắn kết giữa đào tạo và sử dụng; đa dạng hóa, mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bình Dương cũng quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng về y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế Văn hóa – TDTT, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường đầu tư thuận lợi... để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

6. Là địa phương đi đầu trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh dựa trên mô hình tương tác giữa “ba nhà”là Nhà Nước, Nhà Trường và Nhà Doanh Nghiệp, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã 2 lần được vinh danh “Top 7 ICF”- địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trong cộng đồng thông minh thế giới với gần 200 thành viên.

7. Bình Dương đang hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra nhiều kết nối hợp tác quốc tế song phương và đa phương với 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 11 tỉnh, thành phố trên thế giới... Từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi nhân lực, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, Kết sức mạnh- nối thành công, hướng đến mục tiêu lâu dài là phát triển nhanh và bền vững.  

BÌNH DƯƠNG-HỘI TỤ NGUỒN LỰC, LAN TỎA THÀNH CÔNG

Với khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới, cùng với chiến lược quy hoạch kiến tạo cho sự phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, Bình Dương đã và đang hiện thực mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, là đô thị thông minh, động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Trong đó:

1.Chiến lược phát triển thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút dịch vụ, khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thúc đầy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, phát triển đô thị hiện đại, tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường, chất lượng sống, chất lượng đầu tư gắn với khai thác thế mạnh của từng địa phương trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

2. Bình Dương tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng bằng các công trình trọng điểm như: các đường tuyến đường Vành đai chiến lượckết nối 5 tỉnh, thành khu vực phía Nam là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An cùng với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải, phát triển mô hình đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

3. Cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp thông minh. Tiếp tục xây dựng các mô hình công nghiệp mới gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các viện, trường hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn liền với mạng lưới công nghiệp vùng.

4. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, đưa Bình Dương trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Xây dựng Bình Dương trở thành “Một điểm đến - Nhiều tiện ích”, “Nơi đầu tư cho một tương lai thịnh vượng”.

Bình Dương đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho tất cả mọi người, ở mọi vùng miền, mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ trên thế giới./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×