Thời sự Bình Dương

Bình Dương sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương tăng 3,6% so với năm 2017. Đóng góp tích cực vào việc gia tăng giá trị nông nghiệp là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư qui mô lớn và sản xuất tập trung.

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương tăng 3,6% so với năm 2017. Đóng góp tích cực vào việc gia tăng giá trị nông nghiệp là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư qui mô lớn và sản xuất tập trung.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đạt hơn 207.000 hecta. Năm 2018, sản xuất trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất tập trung. Các huyện phía Bắc của tỉnh phát triển mạnh kinh tế trang trại với hơn 900 trang trại. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 979 hecta hoạt động hiệu quả. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh hiện đạt 2.500 hecta. Giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp hiện đạt trên 95 triệu đồng/hecta/năm. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/hecta/năm, nhất là đối với cây ăn trái có múi.

Chăn nuôi phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghệ tạo ra khối hàng hóa lớn, chất lượng cao. Đến nay, đã có 64% tổng đàn gia cầm và 66% tổng đàn heo được chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất như: Quyết định 04 về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Quyết định 63 về cây ăn trái đặc sản và các chính sách hỗ trợ khác để tạo động lực cho việc gia tăng giá trị của ngành. Đồng thời, tập trung thực hiện các đề án về tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đề án phát triển nông nghiệp đô thị phía Nam giai đoạn 2016-2020.

Tỷ trọng ngành nông nghiệp hiện chiếm 3,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, nhưng với việc tập trung đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao đã góp phần tăng giá trị của ngành. Kết quả này đang tiếp tục được tỉnh Bình Dương phát huy trong thời gian tới.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×