Nhằm tạo chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước VN nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm quản lý tốt hoạt động ngoại hối, đảm bảo ổn định thị trường, tăng quy mô dự trữ ngoại hối.
Là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh của cả nước hiện nay; Bình Dương đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, với 28 khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu giao dịch về ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân, doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Để quản lý tốt hoạt động ngoại hối trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Bình Dương cũng đã triển khai nhiều giải pháp quản lý hoạt động mua bán ngoại tệ tiền mặt của các tổ chức tín dụng góp phần tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp, cũng như công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và chi tiêu khác...
Hiện nay, ngoài các ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được phép thu mua và bán ngoại tệ; thì Bình Dương còn có 6 đại lý được Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Bình Dương cấp phép thu đổi ngoại tệ gồm: Công ty TNHH MTV khách sạn Becamex; Chi nhánh Công ty TNHH MTV khách sạn Becamex; Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư Bảo Tín K&K; Công ty TNHH Sân Golf Sông Bé; Công ty Cổ phần phát triển Phú Mỹ và Công ty TNHH Thanh Lễ khách sạn TheMira. Chỉ tính riêng từ dầu năm 2018 đến nay, các đại lý này đã thu mua ngoại tệ của khách trên 1 triệu 287 đô la Mĩ; doanh số bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng đạt trên 1 triệu 299 đô la Mĩ.
Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thay thế cho Nghị định 202/2004 và Nghị định 95/2011. Trong đó, bổ sung tương đối đầy đủ các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời đưa ra mức phạt rất nặng so với quy định trước đây với mức phạt tiền tối đa lên đến 600 triệu đồng; và áp dụng các hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật hoặc rút giấy phép. Riêng đối với cá nhân bán ngoại tệ tại các nơi không được phép thu mua cũng bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Để tăng tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm; trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ hoạt động mua, bán, kinh doanh ngoại tệ, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, thao túng thị trường, niêm yết, quảng cáo giá mua bán bằng ngoại tệ trái pháp luật nhằm từng bước chấn chỉnh hoạt động ngoại hối của các chủ thể tham gia thị trường, góp phần thiết lập trật tự thị trường, tăng cường kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối.