Thời sự Bình Dương

Bình Dương với bài toán ùn tắc giao thông cục bộ

Ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm, giao thông hỗn loạn gây nguy hiểm cho người đi đường đang là thực trạng rất cần thêm nhiều động thái tích cực từ các ngành chức năng.

Ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm, giao thông hỗn loạn gây nguy hiểm cho người đi đường đang là thực trạng rất cần thêm nhiều động thái tích cực từ các ngành chức năng.

Kẹt xe kéo dài, giao thông qua lại khu vực khó khăn. Sáng kẹt hướng từ Củ Chi, TP.HCM qua, tới chiều tối thì kẹt hướng ngược lại. Đó là tình cảnh vào những giờ cao điểm đoạn từ Huỳnh Văn Cù về cầu Phú Cường. Mặc dù có đèn tín hiệu giao thông nhưng khi kẹt xe, người điều khiển xe máy buộc phải tạt trước đầu xe tải, container. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ trạm thu phí BOT Phú Cường. Lưu lượng xe quá lớn vào giờ cao điểm, lại phải dừng đỗ để mua vé khiến cho xe dồn ứ, gây ách tắc giao thông.

Một điều phải thừa nhận, tại Bình Dương, tình hình ùn tắc giao thông thường diễn ra trong thời gian ngắn tại một số giao lộ có lưu lượng xe lớn như ngã 3 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, ngã tư 22/12 trên tuyến Quốc lộ 13; ngã tư 550, các giao lộ với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Về hướng xử lý, Bình Dương đã có nhiều động thái tích cực như mua lại và xoá bỏ Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên mở trạm, không thu phí với người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn có trạm thu phí, nhằm giảm bớt áp lực vào giờ cao điểm và ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, để sắp xếp lại các trạm thu phí cần có thời gian dài. Bình Dương đang chuẩn bị tổng kiểm tra các trạm BOT, theo đó đơn vị nào đã thu phí gần hoàn vốn hoặc đã hoàn vốn sẽ có giải pháp xử lý.

Mặc dù mất đi nguồn thu ngân sách đáng kể, song lãnh đạo tỉnh xác định, giải pháp bỏ bớt trạm thu phí sẽ tạo điều kiện không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà máy, các khu công nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương cần khoảng 254.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho giao thông vận tải, bình quân mỗi năm cần khoảng 51.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Bình Dương đang có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho giao thông, đổi lại, tỉnh sẽ có các chính sách để đảm bảo hoàn lại vốn cho nhà đầu tư nhưng không phải bằng cách thu phí.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×