Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Quy trình chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất trong quá trình làm việc, giảm tối đa chi phí mà còn đem lại một không gian làm việc phát triển mới, tạo nên những giá trị mới bên cạnh những giá trị truyền thống đã có. Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số nhằm làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng.
BÌNH DƯƠNG VỚI QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định Chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tiến trình Chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Theo đó, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện cho được các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác này, chú trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua công tác chuyển đổi số ở Bình Dương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2021, Chỉ số đánh giá Chuyển đổi số (DTI) của Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc so với năm 2020.
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, Bình Dương đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong quá trình Chuyển đổi số. Trong đó, tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC). IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. IOC với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển với hơn 20 lĩnh vực giám sát, điều hành đã được triển khai để khái quát toàn cảnh về các chỉ tiêu phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của tỉnh như: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Hành chính công; thông tin du lịch; an ninh trật tự, giao thông; thông tin phòng, chống dịch Covid-19, tương tác, giao tiếp phục vụ công dân, công khai thông tin quy hoạch, giám sát chất lượng môi trường; giám sát hoạt động công nghiệp, giám sát tài nguyên, môi trường, thông tin lĩnh vực y tế, thông tin lĩnh vực giáo dục, thông tin về cung, cầu lao động, cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục nghề nghiệp, thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông tin về chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa, mặt hàng thiết yếu…Việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương là một bước kế thừa các kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, đó là kể từ ngày 1-1-2022 tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn toàn tỉnh.Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhưng người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) sẽ được thực hiện qua dịch vụ Bưu chính công ích khi nhận kết quả tại nhà. Việc trả kết quả có thể được thực hiện tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc gửi qua dịch vụ Bưu chính công ích đến người sử dụng. Để chuẩn bị tốt các điều kiện kỹ thuật cho việc triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 áp dụng trên địa bàn tỉnh, Sở TTTT đã phối hợp với các đơn vị phát triển phần mềm rà soát nâng cấp các chức năng phần mềm, tính năng ký số và thanh toán điện tử nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng. Theo đó, các chức năng được nâng cấp, hoàn thiện gồm: Việc kết nối liên thông Phần mềm 1 cửa điện tử và Phần mềm Vilis cho 9 UBND cấp huyện, hạn chế hồ sơ trễ hạn của các đơn vị; các chức năng nâng cao của Cổng dịch vụ công được triển khai như: ký số điện tử trên e-Form đã nộp; chức năng trợ lý ảo – tự động hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hiện có thể hướng dẫn 22 thủ tục hành chính phổ biến; kết nối liên thông giữa Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, việc thanh toán trực tuyến đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh qua 2 nền tảng thanh toán: VNPT Pay và nền tảng thanh toán Quốc gia PayGov tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có thể chủ động thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Tổ chức, cá nhân cũng có thể dùng ví điện tử MOMO, VNPT Pay, VNPay để thanh toán tại quầy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Khi tổ chức, công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 sẽ thấy: thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện 24/24 giờ trong ngày tại mọi địa điểm có kết nối Internet. Khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm thời gian gửi/ nhận hồ sơ, giảm thời gian đi lại cho người sử dụng và hoàn toàn chủ động trong các công việc khác. Người sử dụng cũng sẽ nắm được trạng thái hiện tại của quy trình đã đăng ký thực hiện trên website trực tuyến.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số hiệu quả, thực hiện các bộ chỉ tiêu của Trung ương, hướng tới thực hiện 3 không, tỉnh Bình Dương cũng đã bắt đầu triển khai từ ngày 01 tháng 9 năm 2022, không nhận hồ sơ bản giấy để giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan khối đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp, tăng cường gửi nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị qua môi trường mạng, triển khai thực hiện phòng họp không giấy, trong đó Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tiên phong thực hiện trước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ công và đẩy mạnh việc không dùng tiền mặt để thanh toán trong dân. Các ngành, các lĩnh vực trọng điểm thực hiện Chuyển đổi số theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa.
Rõ ràng những kết quả đạt được trong thời gian qua, cũng như những mục tiêu cần hướng đến trong quá trình chuyển đổi số sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là: "Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại"./.