Tăng trưởng xanh được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ở Việt Nam, chương trình Tăng trưởng xanh được cụ thể hóa qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020”, tiếp đó là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Những năm qua, tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu Tăng trưởng xanh bằng chiến lược phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững.
BÌNH DƯƠNG XANH
Sáng 14-8, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị giới thiệu về hành trình phủ xanh của đất nước Singapore và quán triệt, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu hành trình phủ xanh đất nước Singapore, chuyên đề xây dựng “Hệ thống môi trường bền vững cho Bình Dương” theo lộ trình Net zero của Chính phủ, kết quả thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” gắn với xây dựng thành phố xanh, thành phố không rác trên địa bàn tỉnh. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa không chỉ mang đến những bài học kinh nghiệm, mà còn góp phần quán triệt, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường cho lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Qua đó hình thành ý thức, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chủ trương xây dựng tỉnh Bình Dương xanh, sạch.
Thực tế cho thấy, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, Bình Dương đã triển khai trồng hàng trăm ngàn cây xanh để thực hiện mục tiêu phủ xanh toàn tỉnh, tạo sự phát triển cân bằng và bền vững. Năm 2014, tỉnh Bình Dương ban hành quyết định “Quy định quản lý các công trình giao thông, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Từ đây bắt đầu tạo hành lang pháp lý trong việc trồng, bảo vệ, chăm sóc và phát triển trồng cây xanh trong đô thị, các khu công nghiệp. Đến năm 2018, việc trồng cây xanh được phát động ra toàn tỉnh, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân cùng thực hiện. Trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh đã trồng được gần 155.000 cây xanh các loại. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt trên 57,5%.
Hiện nay các nước trên thế giới đều nhận thức rõ và dành sự ưu tiên trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc quy hoạch, xây dựng các khu đô thị xanh hay khu đô thị thân thiện. Trong xu thế tất yếu của đô thị hóa, sắc xanh của cây cối được đánh giá là yếu tố vô cùng cần thiết. Bình Dương đang trên con đường xây dựng đô thị xanh bền vững bằng việc thực hiện nhiều giải pháp để phát triển diện tích công viên và mảng xanh trên địa bàn, trong đó có Đề án "Cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương". Song song với việc tiếp tục cải tạo, thay thế và trồng mới cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường, bờ kè các rạch trên địa bàn theo hướng đa dạng sinh học và tăng diện tích mảng xanh đô thị, tỉnh đã dành các quỹ đất từ việc sắp xếp lại các trụ sở cơ quan hành chính để đầu tư xây dựng các công viên, hoa viên, không gian xanh để tăng mảng xanh đô thị. Cùng với việc trồng cây phủ xanh các khu đô thị, khu công nghiệp, kế hoạch tăng trưởng xanh sẽ giúp Bình Dương đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Điều này chính là sự cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Nghị quyết xác định: đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Với khát vọng, tầm nhìn, tư duy đổi mới, cùng với chiến lược quy hoạch kiến tạo cho sự phát triển nhanh, hài hòa, xanh và bền vững, Bình Dương đã và đang hiện thực mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Đến năm 2045, là đô thị thông minh, động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Trong đó, Bình Dương đang tiến hành tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp vùng. Quá trình tái cấu trúc chia làm 2 giai đoạn; Giai đoạn 1 định hướng xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp thông minh, khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương nhanh và hiệu quả, làm gia tăng năng suất lao động, đồng thời thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2, tỉnh Bình Dương xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ thu hút các viện trường, hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo các ngành dịch vụ, dịch vụ số, từ đó thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Có thể thấy, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp thông minh - xanh hiện được xem là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Để cụ thể hóa “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngày 04/8/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch hành động số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 – 2030 với 18 chủ đề. Trong đó có những chủ đề nổi bật như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh, Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh, Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...Các cấp, các ngành sẽ cụ thể hoá triển khai thực hiện 18 chủ đề trên nhằm nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đưa Bình Dương hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.