Thời sự Bình Dương

Chủ trương và giải pháp tiếp tục triển khai khắc phục sự cố môi trường

Chủ trương và giải pháp tiếp tục triển khai khắc phục sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Tiếp tục trích nội dung về “Kết quả giải quyết sự cố môi trường gây Hải Sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế”, chương trình hôm nay, chúng tôi xin thông tin cuối về Chủ trương và giải pháp tiếp tục triển khai khắc phục sự cố môi trường biển.

Để tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan trực tiếp cần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ các nhiệm vụ sau:

(1). Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chủ động nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tâm lý, tư tưởng của nhân dân để có biện pháp giải quyết tại chỗ, không để phát sinh các điểm nóng; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý, khắc phục hậu quả môi trường biển do Formosa gây ra; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vụ việc này để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước ta; vận động nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để sớm ổn định đời sống, sản xuất và phát triển; không nghe, không tin kẻ xấu kích động tập trung đông người, tuần hành biểu tình gây mất trật tự an toàn xã hội.

(2). Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường các tỉnh miền Trung; giám sát chặt chẽ và thường xuyên việc thực hiện các cam kết của Formosa, đặc biệt là việc chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô trong thời gian 03 năm; giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa, yêu cầu Formosa không xả thải trực tiếp ra biển, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

(3). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”; thực hiện Dự án "Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và các hệ sinh thái là nơi cư trú của các giống loài thuỷ sản”.

(4). Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, hướng dẫn các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục chi trả bồi thường cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

(5). Bộ Y tế tiếp tục thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung, công bố kịp thời cho nhân dân biết để bảo đảm an toàn trong sử dụng, tiêu dùng.

(6). Bộ Công thương đề xuất giải pháp hỗ trợ đối với ngư dân có nhu cầu mua sắm tàu, phương tiện, ngư cụ, dịch vụ thu mua...; tiêu thụ thuỷ sản khai thác của 4 tỉnh; bảo vệ, duy trì thương hiệu, uy tín của thuỷ sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Chủ trì đánh giá công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô của Formosa; rà soát thiết kế cơ sở của Tổ hợp gang thép; trường hợp cần thiết có thể thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để thẩm tra, rà soát thiết kế cơ sở nêu trên.

(7). Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái chế, tái sử dụng tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao làm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các loại chất thải này của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam nói chung cũng như của Formosa nói riêng.

(8). Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương về công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tập trung nêu bật những kết quả đạt được trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, việc chi trả bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, việc hỗ trợ người dân sinh kế, chuyển đổi nghề …bảo đảm đúng định hướng và đạt kết quả tốt.

(9). Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Formosa, bảo đảm toàn bộ Dự án, từng hạng mục chỉ được vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đã cam kết và theo đúng quy định của pháp luật.

(10). Cấp ủy, chính quyền các địa phương, bộ, ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường; tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; triển khai rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đã được đầu tư, tập trung vào các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×