Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là CPTPP sẽ có tác động tích cực và cả những thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam. Có tiêu chuẩn cao với những cam kết thương mại sâu và rộng, CPTPP được các thành viên, trong đó có Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
CPTPP là một hiệp định nhiều bên với 11 đối tác thành viên. Các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Với riêng CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận các thị trường xuất khẩu ở Châu Mỹ. Trong đó, ngành hàng chủ lực ngành Dệt may-da giày được nhận định sẽ có thêm rất nhiều cơ hội mới.
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệpNhà nước...Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Vượt qua được các thách thức, CPTPP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kĩ năng và tác động trực tiếp, gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa này thông qua Hiệp định CPTPP cùng nhiều quyết sách kinh tế quan trọng khác được kỳ vọng sẽ kiến tạo nên một môi trường kinh tế mới cho đất nước và các doanh nghiệp cất cánh phát triển.