Một cộng đồng cư dân không chỉ sống trong quan hệ với tự nhiên mà còn phải luôn quan hệ với môi trường xã hội, từ đó tạo nên những đặc trưng văn hóa, trong đó mà tôn giáo là một bộ phận. Theo thời gian, sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam cũng có lúc thăng lúc trầm, nhưng giáo lý nhà Phật vẫn không ngừng lan toả trong đời sống văn hoá tinh thần người Việt, tạo nên những nét đặc trưng rất riêng của Phật giáo Việt Nam.
DẤU ẤN PHẬT GIÁO TRÊN ĐẤT BÌNH DƯƠNG
Các nguồn sử liệu cho thấy đạo Phật là một tôn giáo có mặt ở Bình Dương khá sớm. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân bản địa vùng đất này đã có những ảnh hưởng nhất định từ Phật giáo.Thông qua thương mại đường biển, Phật giáo đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên. Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét mà Phật giáo để lại trên đất Bình Dương gắn liền với cuộc khẩn hoang mở đất phương Nam vào thế kỷ 17. Hành trang mà những người dân xa xứ mang theo bao giờ cũng có những phong tục tập quán của cố hương, trong đó có tín ngưỡng và tôn giáo. Ngoài đình làng, thì chùa là cơ sở được lập nên sớm nhất trong đời sống cộng đồng cư dân mở đất. Chính vì thế mà đến năm 1698, khi Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược sứ đất Đồng Nai - Gia Định thì “Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư trước đó, lan rộng rồi”.
Theo tư liệu thì chùa Châu Thới được xây dựng năm 1612 chính là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Bình Dương. Tiếp đó là chùa Hưng Long xây dựng năm 1695. Còn chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741. Những ngôi chùa ấy đã được ghi vào sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức cho thấy Phật giáo đã thật sự lan toả và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống những cư dân mở đất phương nam. Với giáo lý cởi mở, dễ hoà nhập, “Phật pháp bất định pháp, Phật pháp bất ly thế gian giác”, cửa Phật rộng mở, người dân đến với Phật giáo một cách tự nhiên làm cho Phật giáo ngày càng có xu hướng hoà quyện với tín ngưỡng dân gian nên tín đồ Phật giáo tăng lên nhanh chóng.
Với Phật giáo Việt Nam, tháng 11-1981 là một cột mốc quan trọng vì đây chính là thời điểm Đại hội thống nhất Phật Giáo toàn quốc được tiến hành. Từ sự kiện này, tín đồ Phật giáo trong cả nước được tập hợp thống nhất trong 9 hệ phái. Tháng 11-1983 ở Sông Bé, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo trong toàn tỉnh lần thứ nhất chính thức được tổ chức tại tổ đình chùa Hội Khánh. Đại hội cũng lựa chọn những tăng ni tham gia vào bộ máy chính quyền và các tổ chức xã hội của tỉnh. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng cho thấy chính sách tự do tôn giáo của Đảng và nhà nước, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Tuy là tỉnh có nhiều hệ phái Phật giáo, song dưới sự lãnh đạo của giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, với phương châm “đạo pháp, dân tộc, và chủ nghĩa xã hội”, các tăng ni phật tử ngoài các hoạt động vì Phật pháp, họ còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Giới tu sĩ và tín đồ không những nhận thức tốt về đạo, về đời mà còn làm tốt công tác từ thiện, giải quyết tốt các sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng để phát triển và hoà nhập, góp phần làm phong phú thêm vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương. Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử giới tăng ni phật tử đã chung sức chung lòng cùng các tầng lớp nhân dân bảo vệ, xây dựng và phát triển Bình Dương thành một vùng đất giàu đẹp và có một truyền thống văn hoá Phật giáo độc đáo.
Khi những cánh hoa sen bắt đầu nở rộ, mùa Phật đản đã về mang đến cho mọi người tình yêu thương từ bi và hỉ xả. Phật đản hay còn gọi là đại lễ Vesak là một ngày lễ trọng đại của đạo Phật. Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông thì đây là ngày kỷ niệm đức Phật Thích Ca ra đời tại vườn Lâm-Tì-Ni vào năm 624 trước công nguyên.Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam tông và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp bao gồm kỷ niệm Phật ra đời, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn. Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật. Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện này được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước. Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, năm nay càng có ý nghĩa hơn khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Đây là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bi, trí, dũng và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Phật đã để lại cho nhân loại 1 hệ thống tư tưởng giáo lý quí giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động và phát triển. Cùng với chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử, người dân Bình Dương luôn hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp của Phật giáo, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân gia đình, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước, và hoà bình cho nhân loại. 2567 năm dưới ánh sáng của Phật pháp, nhân loại được sống trong tình yêu thương từ bi và hỉ xà. Phật giáo đã vượt ra ngoài ý nghĩa là một tôn giáo mà thật sự trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Sống tốt đời đẹp đạo vì hạnh phúc của bản thân và xã hội là phương châm sống của tất cả những người con Phật luôn luôn hướng đến./.