Thời sự Bình Dương

Đề án cải cách chính sách tiền lương

Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy lao động, sản xuất, góp phần vào công tác xây dựng cán bộ, bộ máy hành chính trong sạch

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá XII diễn ra vào ngày mai 7-5, tại Hà Nội sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đề án được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy lao động, sản xuất, góp phần vào công tác xây dựng cán bộ, bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, hội nhập cùng thế giới.

Đề án cải cách chính sách tiền lương có nhiều điểm mới, khắc phục những khó khăn, bất cập của chế độ tiền lương hiện hành. Cụ thể, Đề án xác định tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Đối với khu vực công, đề án đặt mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương mới từ năm 2021 với mức tiền lương thấp nhất bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực doanh nghiệp, đề án thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu; đồng thời, giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Để thực hiện thành công những đổi mới trên, Đề án đặt ra nhiệm vụ của các cấp, ngành là hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm - cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và năng lực, khối lượng công việc. Đặc biệt, Đề án nêu ra các giải pháp tài chính, ngân sách đột phá như: từ năm 2018, hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương; Khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách để có nguồn chi trả lương thu hút nhân tài, động viên người lao động giỏi; Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; Cải cách chính sách tiền lương phải gắn chặt với việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm cố gắng hoàn thiện chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đến nay, nước ta đã trải qua 3 lần cải cách chính sách tiền lương. Đề án cải cách lần này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống ổn định của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển đất nước bền vững, tự tin hội nhập cùng thế giới.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×