Cùng với nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã nhận được trong năm nay, sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu cũng là một dấu ấn quan trọng của ngành Du lịch. Toàn ngành du lịch đang phấn đấu để không chỉ tăng về số lượng mà tăng cả về chất lượng khách với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Nếu như năm 1994, Việt Nam đón 1 triệu lượt khách quốc tế, thì đến cuối năm 2018 Việt Nam đã đón 15 triệu khách quốc tế. Nhiều du khách đã quay trở lại Việt Nam sau lần du lịch đầu tiên.
Năm 1994: > 1 triệu lượt
Năm 2010: > 5 triệu lượt
Năm 2017: > 13 triệu lượt
Năm 2018: > 15 triệu lượt )
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch để thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách có chi trả cao, công tác xúc tiến quảng bá du lịch cần được đầu tư hơn nữa. Bởi, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào và Campuchia. Hiện số tiền dành cho quảng bá du lịch nhưng Việt Nam mới dừng ở 2 triệu USD.
Với mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GDP, vừa qua Thủ tướng Chính đã chính thức thông qua đề án tái cơ cấu ngành du lịch với mục tiêu đạt tổng doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2025. Theo đề án này, bên cạnh công tác quảng bá sẽ được quan tâm đầu tư, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự tăng trưởng về lượng khách cũng là vấn đề trọng tâm để xây dựng thương hiệu du lịch.
Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, thu hút nguồn khách chi trả cao để tăng nguồn thu GDP là mục tiêu của ngành du lịch trong năm tới. Và với sự quan tâm chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.