Bình Dương Mến Yêu

Điểm sáng mô hình kinh tế trang trại ở Bình Dương

Với sự nhạy bén, sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh ông Đoàn Minh Chiến đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của kinh tế - xã hội của địa phương.

Chiến khu Đ xưa và Bắc Tân Uyên ngày nay là vùng đất hiền hòa, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng 2 dòng sông lớn chảy qua: Sông Đồng Nai và Sông Bé, tạo nên những thữa đất phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào quanh năm cho cây trồng. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, vào cuối những năm 1990, có một người Đại tá về hưu đã tìm đến đây và “ Đánh thức” vùng đất này bằng mô hình kinh tế trang trại đầu tiên ở Bình Dương và cả nước, đó là Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến. Sau 22 năm xây dựng và phát triển, trãi qua muôn vàn khó khăn, gian khổ đến nay trang trại này đã đạt được sự thành công với mô hình chuyên canh cây bưởi da xanh trên diện tích đất 30 ha. Không những thế, với sự am hiểu, nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo không ngừng, người Đại tá năm xưa ấy đang tiếp tục theo đuổi mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ và hướng dẫn bà con cùng nhân rộng mô hình để góp phần nâng tầm giá trị cho các loại cây có múi Bắc Tân Uyên thời kinh tế hội nhập...

ĐIỂM SÁNG MÔ HÌNH KINH TẾ TRANG TRẠI Ở BÌNH DƯƠNG

 

Với không ít người, vào cuối những năm 1990, vùng đất Tân Định, Bắc Tân Uyên luôn làm họ ngán ngại khi phải sống và tìm kế sinh nhai bởi vẻ hoang sơ, vắng lặng và cằn cỗi của nó. Không ít người đã đến và phải ra đi... Thế nhưng, với ông Đoàn Minh Chiến, mà mọi người thường gọi bằng một cái tên thân mật – Ông 3 Chiến, ngay từ khi đặt chân lên vùng đất đầy nắng và gió này, ông đã phát hiện nơi đây có một tiềm năng to lớn để mình phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Ông bị say mê, cuốn hút bởi những dãy đồi thoai thoải, ngút ngàn, chỉ toàn là tre và le – nơi mình có thể trồng cao su và điều để phủ xanh đất trống đồi trọc. Rồi là những thung lũng rộng lớn để mình tận dụng làm ao thả cá. Đặc biệt là với mảng phù sa cổ dọc theo tuyến Nam Sông Bé hơn 1km có thể giúp mình phát triển những vườn cây ăn trái... Thế là, ông ra sức khai hoang, cày xới để phủ lên đây một màu xanh tươi thắm của sự sống, của hy vọng. Rồi đất cũng chẳng phụ công người. Những vườn cao su, vườn cây ăn trái, những chuồng trại...cứ thi nhau sinh sôi, phát triển từng ngày. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp ngày càng định hình rõ rệt và phát huy hiệu quả kinh tế đáng kể. Đây được coi là thành quả lao động đáng tự hào dành cho người Đại tá năm xưa.

Là một nông dân thực thụ, năng động và sáng tạo, ông Chiến ý thức rõ một điều rằng: để phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường tiêu thụ, trang trại cần có những chuyển biến tích cực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như phương thức sản xuất. Vì vậy, ông đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, ông đã đầu tư trang bị hệ thống bơm nước, tưới tiêu tự động để chủ động nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái. Ngoài ra, để các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn là sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, ông đã áp dụng qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào trang trại và được cấp giấy chứng nhận VietGAP liên tục từ năm 2016 đến nay và giấy chứng nhận mã vạch – chứng nhận xuất xứ sản phẩm nông sản. Để đạt được các chứng nhận này, ông Chiến luôn chú trọng sử dụng các lọai phân bón vi sinh, phân bón đa vi lượng cho vườn cây và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học theo tiêu chuẩn an toàn, nguồn nước tưới cây được lấy từ Sông Bé. Hiện trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến đang phấn đấu đạt chuẩn GlobalGAP, từng bước phát triển theo định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.         

Vậy là, sau 22 năm theo đuổi mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, người lính cụ Hồ năm xưa đã hoàn thành trọn vẹn ước mơ trên vùng Chiến khu Đ với 30 ha bưởi da xanh VietGAP thuần chủng và 4 ha cây trồng khác, ao cá, nhà ở công nhân. Hàng năm, trang trại của ông cung cấp cho thị trường cả nước từ 200 đến 300 tấn bưởi. Đặc biệt, vào năm 2019, ông bắt đầu xuất khẩu trực tiếp chuyến hàng bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Singapore, với sản lượng 10 tấn và đang được xúc tiến trở lại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Sản xuất kinh doanh hiệu quả, trang trại Đoàn Minh Chiến góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương. Đặc biệt, để tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền hiền và anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên vùng đất chiến khu Đ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trong dịp kỷ niệm 22 năm thành lập trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, gia đình ông đã khánh thành Miếu Chiến khu Đ trong khuôn viên trang trại.

Học hỏi theo mô hình kinh tế trang trại của ông, nhiều nông dân trồng cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng nên đã chuyển đổi từ mô hình canh tác truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời áp dụng quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ sinh học. Toàn huyện hiện có hơn 2.000 ha cây có múi các loại, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã dọc theo sông Bé và sông Đồng Nai, được áp dụng kỹ thuật tiên tiến nên đạt năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất theo hướng hàng hóa qui mô lớn. Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trái bưởi da xanh và quýt đã tạo tiền đề quan trọng để trái cây có múi của Bắc Tân Uyên từng bước vươn xa trên thị trường. Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho các loại trái cây có múi đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic...của Bắc Tân Uyên có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu...Từ đó giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, mạnh dạn đầu tư sản xuất cây ăn trái có múi và thu được hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại hiệu ứng tích cực đến người dân trên địa bàn huyện.

Có thể nói, với sự nhạy bén, sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác của các chủ trang trại mà người tiên phong là ông Đoàn Minh Chiến đã góp phần giúp cho ngành nông nghiệp Bình Dương, mặc dù chỉ còn chiếm tỉ trọng 3,15%  trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng lại nhưng lại mang về giá trị kinh tế cao, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục đưa mô hình kinh tế trang trại ở Bình Dương phát huy hiệu quả hơn nửa và đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế, vấn đề quan trọng hiện nay là ngành nông nghiệp cần chú trọng hơn nửa việc hỗ trợ về vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Có như vậy mới tạo ra được bước đột phá mới trong việc thực hiện mô hình kinh tế trang trại ở địa phương, đưa nông sản Bình Dương, đặc biệt là các loại trái cây có múi ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×