Chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cao hơn doanh thu bán điện, trong khi nhiều khoản chi phí khác vẫn đang treo, điển hình là khoản chêch lệch tỷ giá 5.000 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân khiến năm 2019, tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải xây dựng kế hoạch giá điện mới.
Theo tính toán, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện hơn 174 tỷ kWh; tổng chi phí sản xuất điện trên 291.278 tỷ đồng; doanh thu bán điện hơn 289.954 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN có lãi hơn 2.792 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 gồm: số dư chêch lệch tỷ giá chưa được hoạch toán vào giá thành sản xuất trên 5.000 tỷ đồng, các yếu tố chủ yếu làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện gồm: Giá than; giá dầu DO, FO… Các khoản này sẽ được tính vào giá thành sản xuất điện năm 2019.
Bộ Công thương đang lên kế hoạch cung cấp điện năm 2019, trong đó, dự kiến huy động 589 triệu kWh điện gió, khoảng 2,1 tỷ kWh từ điện mặt trời và khoảng 499 triệu kWh điện sinh khối. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống điện cũng như thách thức hệ thống điện trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN, lên các phương án cấp điện năm 2019, Bộ cũng sẽ chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện để Bộ tiến hành thẩm định và báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá.