Bình Dương Mến Yêu

Du xuân Bình Dương

Phong tục đi chùa đầu mùa xuân vừa là khởi đầu của 1 năm, khởi đầu của sự sống và nó trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Mùa xuân đã về với mọi nhà mang theo bao niềm vui và những ước vọng về bình an hạnh phúc. Với người Việt, mùa xuân lại càng được chờ đợi và mang nhiều ý nghĩa hơn khi gắn liền với ngày tết cổ truyền của dân tộc. Chính vì thế mỗi khi mùa xuân về, ngày Tết đến, mọi người lại náo nức du xuân. Đó là một nét đẹp văn hóa chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cao đẹp.

DU XUÂN BÌNH DƯƠNG

Theo các nhà nghiên cứu thì chữ Tết là biến âm từ chữ Tiết mà ra. Thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên các nước Đông Á đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Tết nguyên Đán hay còn gọi là tết ta để phân biệt với tết tây theo lịch dương chính là vì thế. Tựu trung lại ngày Tết dân tộc có thể phân làm ba khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Trong đó, giao thừa là thời khắc quan trọng và thiêng liêng nhất. Trong đêm trừ tịch, sau khi cúng ông bà gia tiên người ta có tục hái lộc đầu xuân và đi viếng lễ chùa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung, đặc biệt là những nước ảnh hưởng bởi khí hậu 4 mùa. Vì vậy, phong tục đi chùa đầu mùa xuân vừa là khởi đầu của 1 năm, khởi đầu của sự sống và nó trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng nhiều vị tổ khác đã từng nói rằng, Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều vốn đã có Phật tính. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở trong chính bản thân mình. Cho nên, đi lễ chùa chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người. Bởi lẽ, Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là chỗ thanh tịnh để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành như thế

Bình Dương là một trong những nơi đầu tiên mà Phật giáo du nhập vào miền Nam từ thế kỷ 17. Ở Bình Dương cũng có rất nhiều những ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp như: chùa Hội Khánh, chùa Châu Thới với cộng đồng phật tử rất đông đảo. Ngày xuân viếng cửa chùa đâu chỉ là niềm tin tôn giáo, mà đó chính là một cách thức để con người trở về với bản ngã của mình. Bước chân vào sân chùa tĩnh mịch, lòng ai mà chẳng trở nên thanh tịnh. Những bụi đời với tham, sân, si, hỉ, nộ ái, ố đã rớt lại bên ngoài cổng chùa để chúng ta trở về đúng nghĩa là một con người với bản tính thiện. Mỗi người chỉ cần một phút lắng lòng ấy thôi thì cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp biết nhường nào. Và mùa xuân như ngập tràn niềm an lạc.

Theo thời gian, có những phong tục ngày tết được gìn giữ đồng thời cũng có những xu hướng mới xuất hiện, mà một trong những thay đổi rõ nét nhất chính là sự thay đổi trong quan niệm khi có nhiều người quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu vui xuân chơi tết. Nói một cách cụ thể tức là nhu cầu du lịch giải trí trong những ngày xuân. Ở Bình Dương nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch sinh thái kết hợp văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa giải trí thể thao ra đời với quy mô lớn đã trở thành một địa điểm lựa chọn yêu thích của mọi người, nhất là những người dân trong vùng Đông Nam Bộ. Một trong những điểm nhấn quan trọng ở Bình Dương trong những ngày tết năm nay mà người dân có thể du xuân đó là phố đi bộ Bạch đằng và Hội hoa xuân, đường hoa ở công viên trung tâm thành phố mới. Nhiều và rất nhiều những loại hoa đang bung mình khoe sắc như chính tấm lòng hân hoan của con người khi đất trời vào xuân. Đi hội hoa xuân là một sự trải nghiệm với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ở đó, người ta sẽ cảm nhận được hết cái đẹp tinh khiết của thiên nhiên, để từ đó mọi người biết sống hài hòa, yêu quý và gìn giữ thiên nhiên. Ở đó, ta hiểu hơn về truyền thống những làng nghề trồng hoa kiểng không chỉ của đất Bình Dương mà cả ở những vùng miền khác. Ở đó, ta hiểu được giá trị của sức lao động. Chính vì thế, một chậu hoa xuân ta mang về trang trí trong nhà như chứa đựng cả đất trời và lòng người trong một mùa xuân viên mãn.

Thuộc nền văn minh lúa nước nên văn hóa dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa nông nghiệp. Từ ngày tết nguyên đán cho đến các lễ hội truyền thống là minh chứng cho điều ấy. Tháng giêng là khoảng thời gian mà công việc đồng áng rảnh rỗi nhất nên chúng ta có thể hiểu vì sao tháng giêng nói riêng và mùa xuân nói chung, đất nước ta lại có nhiều lễ hội truyền thống đến như vậy. Là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, lễ hội phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL thì cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội trong năm. Phục hồi, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống trong đời sống đương đại là trách nhiệm và cũng là thử thách của mỗi người, mỗi vùng miền để làm sao các lễ hội truyền thống thật sự góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ lâu, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người dân Bình Dương và các vùng phụ cận lại nô nức trẩy hội chùa Bà. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu. Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hoá thành tín ngưỡng và Bà được những thế hệ sau hương khói, phụng thờ suy tôn Bà là một người phụ nữ đức hạnh, hiếu thảo, xả thân cứu người đời. Theo tín ngưỡng người Hoa, Bà như một vị hiển thánh, thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu, sống có đạo nghĩa. Cho nên người Hoa đi đến đâu cũng lập chùa thờ Bà Thiên hậu Thánh mẫu. Chùa Bà Bình Dương được xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ XIX, lúc đầu tọa lạc tại rạch Hương Chủ Hiếu. Người xưa đã chịu ảnh hưởng của quan niệm dân gian là địa thế xây cất miếu Bà thường tuân theo nguyên tắc kiến trúc điện mẫu, tức là luôn mang yếu tính nữ trong xây cất, một trong những yếu tố nữ là điện thờ nên chọn nơi gần sông, suối, ao, hồ…nghĩa là gần nơi có nước, vì nước mang yếu tố âm, mang tính nữ. Đến năm 1923, bốn Bang người Hoa chung sức tái tạo, dời ngôi chùa về vị trí như ngày nay. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu là một sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đất và người Bình Dương. Qua lễ hội người ta nhận thấy cả một tiến trình lịch sử khẩn hoang mở đất, ở đó là sự quần tụ của các cộng đồng dân cư cùng chung lưng đấu cật vượt qua khó khăn thử thách, và ở đó cũng chính là sự giao thoa văn hóa để tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo riêng của vùng đất mới. Xuất phát từ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa riêng của cộng đồng người Hoa, nhưng đến nay lễ hội chùa Bà đã trở thành lễ hội của tất cả mọi người, cả người Việt, người Hoa và các tộc người khác trên đất Bình Dương. Những năm qua, người dân trẩy hội chùa Bà lại càng có nhiều ấn tượng đẹp về Bình Dương khi Lễ hội chùa Bà được tổ chức an toàn văn minh với nhiều nghĩa cử cao đẹp như: phục vụ nước uống, giữ xe miễn phí. Và như thế sắc xuân ở Bình Dương không chỉ rạng rỡ mà còn ấm áp nghĩa tình góp phần làm đẹp thâm hình ảnh đất và người Bình Dương.

Mùa xuân đã về. Hãy gát lại những mệt mỏi ưu phiền, những bộn bề lo toan của một năm qua, hãy lên đường du xuân để tận hưởng bao niềm vui mà mùa xuân mang lại để nạp thêm năng lượng, tự tin bước vào năm mới cùng bao dự định và ước vọng về những thành công ở phía trước./.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×