Hiện nay, với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở phát triển của internet, công nghệ cao và kinh tế tri thức, xu hướng đầu tư trên thế giới đang có sự thay đổi sâu sắc, hướng vào các ngành dịch vụ và công nghệ cao. Điều này đã và đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới cho Bình Dương, đó là: nếu muốn tiếp tục phát triển bền vững, tỉnh phải có hướng đi mới, chiến lược mới chuyển mình từ công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp chế tạo sáng tạo, hình thành đô thị thông minh và kinh tế tri thức, quản trị công hiện đại, chính quyền điện tử, dịch vụ công tiện ích. Nắm bắt xu thế này, từ nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đã xây dựng mô hình thành phố thông minh với Đề án “Binh Duong Navigator 2021” - Đề án phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương, triển khai mô hình hợp tác Ba Nhà, hướng tới Đô thị Thông minh", đồng thời, triển khai hoàn thiện Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Bình Dương đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Minh chứng rõ nét nhất là theo kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2022 diễn ra vào ngày 12-4-2023 tại Hà Nội, Bình Dương tiếp tục đứng vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành cả nước. Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh xếp hạng 04/63 tỉnh, thành phố trên cả nước...
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương cũng như đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đến nay, 100% cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã đều có hệ thống mạng nội bộ; mạng Truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh phủ đến cấp xã với hơn 184 điểm kết nối; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phủ tới cấp xã với 120 điểm cầu. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống với gần 1.400 chứng thư số đã cấp cho cơ quan và cá nhân, tỷ lệ hồ sơ công việc điện tử cấp tỉnh ước đạt 85%, cấp huyện ước đạt 75% và cấp xã ước đạt 60%. Hệ thống đường dây nóng 1022 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, đô thị, xây dựng, giao thông, cấp cứu, thủ tục hành chính... Trong đó, trên 70% giải đáp thỏa đáng phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính cho 47 đầu mối của các sở, ban, ngành, địa phương. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có trên 900 yêu cầu hỗ trợ về y tế qua đầu số 115 và chuyển thông tin cho bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất. Một số hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng tác nghiệp chuyên ngành đã được các cơ quan nhà nước triển khai phục vụ công tác tin học hóa nghiệp vụ, tiêu biểu như: hệ thống thông tin đất đai của ngành tài nguyên và môi trường với hơn 70% dữ liệu đất đai; hệ thống thông tin quản lý cán bộ công chức viên chức của ngành nội vụ toàn tỉnh; hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của tỉnh; hệ thống quản lý thông tin quy hoạch đô thị; hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành Công thương; Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh; hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục và đào tạo...
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, đến nay, tỉnh đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh đã triển khai kết nối cho 18/19 sở, ban, ngành và 09/09 huyện, thị xã, thành phố; tích hợp chức năng theo dõi tiến độ nộp, xử lý hồ sơ trên ứng dụng Bình Dương Số cho người dân theo dõi tiện lợi và ứng dụng Chính quyền Số để cán bộ, công chức theo dõi xử lý hồ sơ kịp thời. Đồng thời công bố, công khai, cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh với 1.870 thủ tục hành chính. Hoàn thành triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu bảo đảm thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho công chức, viên chức trong việc xử lý các dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, tra cứu và khai thác các thông tin dữ liệu kịp thời, vào ngày 10/5 vừa qua, tỉnh đã công bố hoạt động ứng dụng "Chính quyền số Bình Dương". Thông qua ứng dụng này sẽ giúp thay đổi thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng thiết bị di động để xử lý công việc, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và giảm được tối đa chậm trễ, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với mục tiêu hướng tới một chính quyền hoạt động linh hoạt, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao, tỉnh Bình Dương đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC). Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, IOC Bình Dương đã từng bước thu thập và xử lý dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương để phục vụ cho công tác phân tích, xử lý dữ liệu và hiển thị trực quan. Qua đó đã có 27 lĩnh vực, với 1000 chỉ số và 146 bản điều hành đã được thiết lập, ở 4 nhóm cơ sở dữ liệu gồm: kinh tế xã hội, lĩnh vực chính quyền số, chuyên ngành lĩnh vực các sở, ngành khối kinh tế và các sở ngành khối văn hoá xã hội. Việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương là một bước kế thừa các kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực; 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số…
Có thể nói, chuyển đổi số toàn diện là xu thế tất yếu của thế giới và là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra cho các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh. Với việc chung tay thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đối số, tin rằng các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống, công việc của người dân sẽ có sự đổi thay tích cực, góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và đáng sống./.