Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn được nông dân, đơn vị phân phối, tiêu thụ quan tâm. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ kết nối cung cầu nông sản để tạo sự ổn định cho sản xuất và tiêu thụ đang được tỉnh Bình Dương quan tâm đẩy mạnh.
Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng diện tích cho nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên và nông sản của Bình Dương rất đa dạng về chủng loại. Trong trồng trọt, cây ăn trái có múi, rau đậu các loại, hoa, cây cảnh với hơn 20.000 hecta. Sản phẩm từ chăn nuôi cũng khá phong phú với nhiều loại gia súc, gia cầm. Hầu hết sản phẩm nông sản Bình Dương đều được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều sản phẩm tham gia xuất khẩu và đáp ứng tốt tiêu dùng trong nước. Hiện nay, qui mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn trái và các mặt hàng nông sản theo qui trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển khả quan.
Cùng với sự đầu tư trong nâng cao chất lượng nông sản, để ổn định đầu ra và nâng giá trị nông sản, từ năm 2017 đến nay, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã phối hợp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu nông sản và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kết nối tại nhiều địa phương trong cả nước. Hoạt động kết nối cung-cầu mặt hàng nông sản, trái cây được tỉnh Bình Dương tổ chức đã tạo cơ hội cho các chủ trang trại, hợp tác xã, hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu được trực tiếp trao đổi, tìm hiểu sản phẩm để liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường. 35 nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp thu mua đã ký kết hơn 70 biên bản nghi nhớ và hợp đồng kinh tế. Từ đó, tiếp tục thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng với kênh phân phối trong và ngoài nước.
Năm 2019, Sở công thương, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp với các sở ngành xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia các chương trình kích cầu, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, trái cây sản xuất trong tỉnh. Khi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản hòa nhịp sẽ là động lực lớn thúc đẩy nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững, cung ứng nguồn nông sản an toàn cho thị trường tiêu dùng và xuất khẩu.